Thứ 7, 20/04/2024 09:08:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:09, 29/08/2019 GMT+7

Tín dụng chính sách nâng bước người nghèo

Thứ 5, 29/08/2019 | 06:09:00 1,172 lượt xem
BP - 5 năm kể từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, 131.984 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp 11.712 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2015-2018; hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên được tiếp sức đến trường…

LAN TỎA CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 10-6-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 233-KH/TU yêu cầu các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị đưa tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, hoạt động thường xuyên của cấp ủy, cơ quan, đơn vị và thực hiện tốt huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Ngay sau đó, ngày 14-7-2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư và Tỉnh ủy, đề ra giải pháp và phân công sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

Những năm sau đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong đó, tập trung nguồn lực, bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh hoạt động ổn định. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội.

Được sự hỗ trợ vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, đến nay hộ ông Nguyễn Đình Khai (bên phải) ở ấp 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú đã có 1,8 ha đất và nuôi 3 con học xong đại học

Tính đến ngày 30-6-2019, tổng vốn tại NHCSXH tỉnh đạt 2.271 tỷ 738 triệu đồng. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương 1.888 tỷ 955 triệu đồng, vốn huy động theo lãi suất thị trường được ngân sách Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất 279 tỷ 432 triệu đồng và vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương 103 tỷ 351 triệu đồng. Từ cuối năm 2014 đến ngày 30-6-2019, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 131.984 lượt hộ vay với doanh số cho vay 2.764 tỷ 455 triệu đồng, doanh số thu hồi nợ đạt 1.923 tỷ 280 triệu đồng. Qua đó, đã giúp 131.984 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp 11.712 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2015-2018; giải quyết việc làm cho 7.109 lao động; giúp 6.498 lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo, xây dựng 105.266 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn tỉnh...

Hiện 100% xã, phường, thị trấn đều có điểm giao dịch của NHCSXH. Các điểm giao dịch phối hợp với tổ chức chính trị, xã hội quản lý 1.848 tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, thủ tục khi giao dịch tại NHCSXH được thực hiện nhanh, gọn, tạo lòng tin của nhân dân. Từ đó, thu hồi nợ cũng diễn ra nhanh chóng và đạt kết quả tốt. Đến ngày 30-6-2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh 4,412 tỷ đồng (giảm 6,023 tỷ đồng so thời điểm cuối năm 2014), chiếm 0,19% tổng dư nợ.

KHI NGƯỜI DÂN GIẢM NGHÈO, CHÍNH QUYỀN GIẢM ÁP LỰC

Thực tế đã chứng minh, vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra. Từ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn đã định hướng được phát triển kinh tế gia đình, đổi thay cuộc sống. Qua đó tạo sự phấn khởi, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Lập nghiệp tại xã Đồng Tiến (Đồng Phú) từ năm 2001, gia đình bà Võ Thị Hà không có công việc ổn định. Từ hỗ trợ của chính quyền, nhiều năm qua bà được tiếp cận các nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Bà Hà cho biết: Trong lúc khó khăn nhất, gia đình tôi được vay vốn từ NHCSXH. Hiện tôi còn nợ ngân hàng 65 triệu đồng. Tham gia nhiều chương trình của NHCSXH, ý nghĩa nhất là từ vốn vay chương trình học sinh, sinh viên, nhờ đó 3 người con của tôi giờ đã ra trường, có công việc ổn định. Từ sự đóng góp của các con cũng như 50 triệu đồng vay diện hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi đã mua thêm đất để trồng điều, cây nông nghiệp ngắn ngày, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nhiều năm qua, NHCSXH là người bạn đồng hành, giúp đỡ và hỗ trợ gia đình tôi có được như hôm nay. Giao dịch tại NHCSXH, mọi thủ tục đều có Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ, từ giấy tờ, thủ tục đến việc đóng tiền lãi hằng tháng nên rất thuận tiện, nhanh gọn.

Ông Trần Thanh Phong, ấp 1, xã Thanh Hòa (Bù Đốp)

Lợi thế đất đai rộng nhưng do không tiếp cận được vốn vay nên nhiều năm qua, các hộ dân ở vùng biên giới của tỉnh vẫn loay hoay trong “cuộc chiến” thoát nghèo. Nhờ sự tư vấn của các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, người dân đã mạnh dạn vay vốn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Ông Trần Thanh Phong ở ấp 1, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) được NHCSXH huyện Bù Đốp cho vay 60 triệu đồng, thời hạn vay 5 năm theo chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và vốn phát triển kinh tế hộ mới thoát nghèo. Từ số tiền này, ông đầu tư đào giếng và mua dê, bò để phát triển kinh tế. “Mỗi tháng, ngoài đóng tiền lãi, tôi còn tích lũy được từ 300-500 ngàn đồng tiền tiết kiệm. Dù số tiền không nhiều nhưng sau 5 năm đây là khoản giúp gia đình tôi thanh toán tiền nợ gốc” - ông Phong cho biết.

Những gam màu tươi sáng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội là minh chứng cho một quyết sách hợp lòng dân của Chỉ thị số 40-CT/TW. Màu sáng này không chỉ đến từ quy mô hay chất lượng các hoạt động tín dụng, đó còn là sự hội tụ của cả hệ thống chính trị đã cùng tô đẹp hơn một chính sách tín dụng đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, từ vốn ưu đãi của NHCSXH đã góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, ổn định xã hội. 

Thanh Nga

  • Từ khóa
1566

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu