Thứ 5, 28/03/2024 21:12:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:00, 22/12/2017 GMT+7

Tín hiệu vui cho vụ điều 2017-2018

Thứ 6, 22/12/2017 | 08:00:00 488 lượt xem

BP - Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của nông dân trồng điều trong tỉnh là làm gì để khắc phục hiệu quả bệnh cháy lá khô cành, bệnh thán thư đang hoành hành trên cây điều. Trước yêu cầu bức thiết đặt ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mà trực tiếp là các đơn vị trực thuộc như Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang phối hợp chặt chẽ, cùng ngành nông nghiệp các huyện, thị đến tận vườn điều “cầm tay chỉ việc”, giúp nông dân biết cách chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về năng suất, sản lượng niên vụ 2017-2018.

Bệnh cháy lá khô cành và thán thư trên cây điều dai dẳng từ niên vụ 2016-2017 đến nay trên hầu hết vườn điều của nông dân trong tỉnh, với hơn 134 ngàn ha, trong đó khoảng 39 ngàn ha bị nặng. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp tỉnh khẩn trương vào cuộc và chia làm 2 giai đoạn cứu hộ vườn điều. Giai đoạn 1, triển khai từ ngày 5-9 đến 30-10-2017 và giai đoạn 2 từ ngày 18-11-2017 đến 30-3-2018.

Tiếp tục cầm tay chỉ việc

Triển khai giai đoạn 2, các cán bộ, kỹ sư của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã và đang tiếp tục đến tận vườn điều hướng dẫn nông dân cặn kẽ quy trình phòng trừ sâu bệnh, tập trung cho giai đoạn cây điều ra hoa, đậu trái. Trong đó, địa bàn trọng điểm, chủ yếu được triển khai là các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú, nơi chiếm trên 90% diện tích cây điều toàn tỉnh. Đến thời điểm này, tình hình sâu bệnh hại cây điều đã giảm; ý thức phòng, chống sâu bệnh của nông dân nâng lên rõ rệt.

 

Thạc sĩ Lê Thúc Long (Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật) tư vấn trực tiếp cho người dân trồng điều ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập)Thạc sĩ Lê Thúc Long (Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật) tư vấn trực tiếp cho người dân trồng điều ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập)

 

Xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng của bệnh khô cành cháy lá, thán thư trên cây điều. Vì vậy, khi cán bộ, kỹ sư nông nghiệp về tận vườn điều của các hộ dân hướng dẫn quy trình, cách nhận dạng sâu bệnh để phòng trị hiệu quả đã thu hút rất đông nông dân tham gia. Điển hình như tại 2 thôn Bình Đức 1 và Sơn Trung, nhiều gia đình đã tạm gác mọi công việc để đến lắng nghe và đề xuất nhiều ý kiến thiết thực với các kỹ sư nông nghiệp. Việc tổ chức tư vấn, hướng dẫn quy trình trong phòng, chăm sóc và trị bệnh cho cây trồng theo hướng trực quan sinh động ngay tại vườn đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Một mặt, cách làm này giúp các kỹ sư nông nghiệp “nói có sách, mách có chứng”, hướng dẫn đến đâu, minh họa bằng thực tế đến đó. Mặt khác, về phía người nghe, tiếp nhận thông tin dễ dàng, dễ nhớ và dễ vận dụng.

 

Với cách làm thiết thực này, qua 2 đợt do Sở NN&PTNT triển khai, ý thức phòng chống sâu bệnh cho cây điều của người dân địa phương được nâng cao rõ rệt. Điều quan trọng hơn là vườn điều đã dần hồi phục theo hướng tích cực. Nhiều vườn cây cách đây vài tháng từ chỗ trơ trụi cành lá, nay đã xanh tốt trở lại, đang ra hoa và chuẩn bị đậu trái. “Theo tôi, việc tổ chức hướng dẫn tại vườn cần được duy trì đều đặn hơn vì dễ hiểu, dễ vận dụng. Đợt vừa rồi, tôi được tập huấn và về áp dụng, nay vườn cây đã có chuyển biến tốt, cây đang thay lá, ra hoa. Hy vọng qua đợt tập huấn lần hai này, năng suất vườn cây sẽ khá hơn năm rồi” - ông Nguyễn Thanh Long, thôn Bình Đức 1 và ông Điểu Gơ Riêng, thôn Sơn Trung, cùng xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập có chung nhận định.

Ý thức người dân đã nâng lên

Thôn 10, xã Bom Bo (Bù Đăng) là địa bàn vùng sâu, xa, đi lại nhiều khó khăn. Bù lại, nơi đây cây điều luôn phát triển tốt, năng suất cao. Thế nhưng, vụ điều năm trước do bị khô cành cháy lá, bệnh thán thư nên năng suất điều giảm mạnh.

Để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do sâu bệnh gây ra, hộ ông Nguyễn Văn Đốm đã sớm ý thức chăm sóc cây điều. Tuy nhiên, ông Đốm kiến nghị, các kỹ sư nông nghiệp về tận vườn hướng dẫn chi tiết, cụ thể là cơ hội tốt để người trồng điều có thêm điều kiện, kết hợp hiệu quả giữa thực hành và lý thuyết, từ đó biết cách phòng trừ sâu bệnh tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vườn điều gia đình và đây cũng là mong muốn chung của người dân địa bàn. “Tôi trồng điều đã hơn 20 năm. Để phòng trừ bệnh, năm nay tôi đã 2 lần xịt thuốc cho cây điều, nhưng qua hướng dẫn trực tiếp của kỹ sư, tôi thấy rất thiết thực. Có những kiến thức, bản thân cứ nghĩ là phù hợp, nhưng khi nghe hướng dẫn lại không đúng” - ông Đốm nói.

 

Nông dân trồng điều xã Đức Hạnh nghe tư vấn trực tiếp về phòng trừ sâu bệnh hại  cây điều, diễn ra ngày 14-12-2017Nông dân trồng điều xã Đức Hạnh nghe tư vấn trực tiếp về phòng trừ sâu bệnh hại  cây điều, diễn ra ngày 14-12-2017

 

Đến thời điểm này, công tác khắc phục tình trạng khô cành cháy lá, bệnh thán thư hại cây điều trên địa bàn tỉnh do Sở NN&PTNT chủ trì đã triển khai đến hơn 60 xã với 380 thôn có người trồng điều tham gia và đã trải qua 2 giai đoạn, tổng kinh phí 2 tỷ đồng do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ. Để tăng cường sự hỗ trợ cho người trồng điều, Sở NN&PTNT đã kêu gọi nhiều tổ chức, doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tham gia hỗ trợ với nhiều mô hình hữu ích. Trong đó, Công ty TNHH CP đầu tư Hợp Trí hỗ trợ 43 mô hình thuốc, 10 ngàn tờ rơi hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều; Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ 11 mô hình, 5.000 tờ rơi và Công ty phân bón Mặt Trời Mới hỗ trợ 28 mô hình. Trong đợt 2 này, các huyện Phú Riềng, Đồng Phú được hỗ trợ mỗi huyện 40 mô hình, 50 lớp tập huấn; huyện Bù Gia Mập được hỗ trợ 50 mô hình, 70 lớp tập huấn. Riêng huyện Bù Đăng được hỗ trợ 70 mô hình tại 100 thôn, ấp. Ngoài các mô hình được hỗ trợ nêu trên, huyện Bù Đăng còn có chính sách hỗ trợ riêng dành cho những hộ bị thiệt hại nặng, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn với kinh phí 1 triệu đồng/hộ. 

 

Khuyến cáo của ngành nông nghiệp

Qua khảo sát thực tế, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT đánh giá, hiện có khoảng 40% diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt; 40% bị sâu bệnh hại đã được chăm sóc, đang ra chồi, lá non, có chiều hướng phục hồi khá; khoảng 20% còn lại phục hồi kém hoặc chưa có biểu hiện phục hồi, cành lá vẫn khô, chưa nảy chồi, ra lá non. Tại các huyện Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng và Đồng Phú, tình hình sâu bệnh trong tầm khống chế của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, kỹ sư Lê Thúc Long, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật và thạc sĩ Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT khuyến cáo, để phòng trừ sâu bệnh trên cây điều đạt hiệu quả, không bùng phát dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại, các đơn vị chức năng của sở, đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp các huyện, thị xã cần thường xuyên kết hợp với cán bộ cơ sở và nông dân tăng cường thăm vườn điều kiểm tra tình hình diễn biến sâu bệnh. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thông qua việc củng cố dịch vụ tư vấn bảo vệ thực vật, kiện toàn mạng lưới bảo vệ thực vật cơ sở để từ đó nâng cao ý thức chủ động phòng, chống sâu bệnh cho người trồng điều.

Quốc Phong

  • Từ khóa
39709

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu