Thứ 7, 20/04/2024 07:03:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:17, 27/09/2018 GMT+7

Sáp nhập trường học ở Lộc Ninh và những tín hiệu vui

Thứ 5, 27/09/2018 | 06:17:00 6,981 lượt xem

BP - Năm học 2018-2019, huyện Lộc Ninh thực hiện sáp nhập 4 trường tiểu học (TH) và 4 trường THCS thuộc các xã Lộc Phú, Lộc Hòa, Lộc An, Lộc Khánh thành 4 trường TH và THCS. Việc sáp nhập này nhằm thực hiện Đề án 343 của Huyện ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị huyện Lộc Ninh và Kế hoạch số 74 ngày 16-5-2018 của UBND huyện về sắp xếp tổ chức gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học. Sau 1 tháng sáp nhập, khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu đã được ban giám hiệu các trường khắc phục và có những chuyển biến tích cực.

Làm hết việc chứ không hết giờ

Với cơ sở vật chất tương đối khang trang, việc sáp nhập 2 bậc học ở huyện Lộc Ninh có nhiều thuận lợi. Học sinh cấp nào vẫn theo học tại trường đó, còn bộ máy quản lý, cán bộ quản lý, hành chính xây dựng kế hoạch làm việc theo hướng linh động, tích cực nhằm mang lại hiệu quả cao trong công việc.  

Hơn 1 tháng kể từ ngày sáp nhập, thầy Phan Bá Thuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường TH Lộc An đã bàn giao công việc và đảm nhiệm việc đứng lớp khối TH Trường TH và THCS Lộc An. Đây là một trong 8 trường làm điểm sáp nhập của huyện. Tiếp nhận nhiệm vụ, thầy Thuần nhanh chóng cập nhật giáo án, kiến thức để lên lớp truyền đạt cho học sinh. Thầy cho biết: Dù mới nhận nhiệm vụ hơn 1 tháng nhưng thầy, cô giáo đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, mọi bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng được khắc phục. Trước khi sáp nhập, tôi đã xác định dù ở vị trí nào cũng cố gắng để đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của huyện.

Thầy Phan Bá Thuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lộc An, nay trực tiếp đứng lớp giảng dạy khối tiểu học Trường tiểu học và THCS Lộc An, xã Lộc An

Với ông Lê Chí Tuấn, nhân viên văn thư - kế toán của Trường TH và THCS Lộc Hòa, những ngày này phải làm việc nhiều hơn. Trước đây, ông Tuấn chỉ làm nhiệm vụ kế toán tại Trường TH Lộc Hòa. Khi có quyết định sáp nhập trường (8-2018), kế toán của THCS Lộc Hòa nghỉ hưu, ông đảm nhiệm luôn vị trí văn thư - kế toán của Trường TH và THCS Lộc Hòa. 2 trường cách nhau khoảng 500m, vì thế văn phòng làm việc chính của ông tại khuôn viên khối THCS. Để nâng cao hiệu quả công việc, sáng ông làm việc tại khối TH và chiều ở khối THCS. Ông Tuấn cho biết: Trước đây, mỗi trường đều có nhân viên kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện riêng. Thực hiện Đề án 343 của Huyện ủy, cán bộ quản lý, hành chính giảm nhiều, một người làm nhiệm vụ của nhiều người. Bản thân tôi bây giờ làm công việc của cả 2 cấp học, việc nhiều nên không tính giờ giấc. Chúng tôi xác định “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, mỗi người tự xây dựng cách làm việc linh hoạt để đảm bảo công việc.

Sau khi sáp nhập, Trường TH và THCS Lộc An có 31 lớp với 872 học sinh; có 5 nhân viên chuyển công tác đến các trường mầm non; 4 nhân viên văn thư - kế toán và 4 nhân viên thư viện, thiết bị giảm chỉ còn 2; từ 2 hiệu trưởng và 2 hiệu phó, hiện trường chỉ còn 1 hiệu trưởng phụ trách chung và 2 hiệu phó phụ trách chuyên môn.

quyết tâm vượt khó

Đề án sáp nhập các đơn vị trường học tại huyện Lộc Ninh đã mang lại những hiệu quả nhất định như: giảm đầu mối cán bộ quản lý, nhân viên; điều động cán bộ quản lý về đứng lớp để tăng cường chất lượng giảng dạy... Những bỡ ngỡ, khó khăn luôn được ban giám hiệu, giáo viên sắp xếp khắc phục.

Học sinh Trường tiểu học và THCS Lộc An (xã Lộc An) trong buổi rèn luyện đội hình đội ngũ

Thầy Bùi Quang Cường, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Lộc An cho biết: Sau khi sáp nhập, học sinh cấp nào vẫn theo học tại trường cũ. Vì vậy, chúng tôi phải linh động thời gian, bố trí nơi làm việc khoa học để quản lý các em. Hiện nay, những nhân viên như thư viện, thiết bị, văn thư - kế toán phải chia ngày để chạy qua chạy lại giữa 2 trường; hằng tuần luân phiên giáo viên tổng phụ trách đội để tổ chức chào cờ cho 2 bên hoặc ai có năng khiếu thì phân công thêm nhiệm vụ này. Giáo viên cũng chủ động thời gian để đi lại giữa 2 trường. Qua 1 tháng thực hiện, chúng tôi có những khó khăn nhất định, tuy nhiên trường vẫn hoạt động suôn sẻ, đảm bảo việc dạy và học.

Ông Phạm Như Công, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lộc Ninh cho biết: Thực hiện Đề án 343, phòng đã khảo sát và tham mưu Huyện ủy sáp nhập các điểm lẻ và một số trường học. Nhìn chung việc sáp nhập thực hiện có kế hoạch, khoa học và thận trọng. Qua đó, nhận được sự đồng tình, hỗ trợ của giáo viên cũng như phụ huynh. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, các trường còn gặp khó khăn trong hoạt động điều hành, khu hành chính chưa tập trung nên khó quản lý; các chức danh kế toán, văn thư, thư viện, thiết bị do phải cắt giảm 50%. Do “bớt người thêm việc” nên công việc còn chậm. Dự kiến đến cuối tháng 10, chúng tôi sẽ họp để đánh giá những vướng mắc, khó khăn và rút kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục tham mưu UBND huyện kế hoạch sáp nhập trong những năm tiếp theo.

Việc sáp nhập trường học nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, góp phần đổi mới công tác hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả. Qua 1 tháng thực hiện tại huyện Lộc Ninh cho thấy, bộ máy đã được tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những khó khăn ban đầu đang được cấp ủy đảng, chính quyền và ngành GD-ĐT huyện Lộc Ninh tháo gỡ, có định hướng cụ thể để tạo sự đồng thuận, thống nhất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Viết Bằng

  • Từ khóa
1458

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu