Thứ 6, 26/04/2024 14:13:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:30, 07/05/2014 GMT+7

“TRẺ HÓA” VƯỜN CÀ PHÊ BẰNG GHÉP CHỒI:

Tín hiệu vui từ Bù đăng

Thứ 4, 07/05/2014 | 07:30:00 155 lượt xem

Được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân ở huyện Bù Đăng đã mạnh dạn “trẻ hóa” vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi chất lượng tốt vào những gốc cà phê cũ. Năng suất cao và ổn định, ít sâu bệnh là những ưu điểm được người dân đánh giá cao. Trồng cà phê bằng phương pháp ghép chồi hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân Bù Đăng.

Cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi còn giúp nông dân rút ngắn thời gian đầu tư so với trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

BỎ PHƯƠNG PHÁP CŨ

Ông Bùi Hùng Mạnh ở tổ 7, xã Minh Hưng có vườn cà phê hơn 1 ha trồng xen vườn điều đã trên 20 năm tuổi. Sau nhiều năm thu hoạch cũng như kỹ thuật canh tác không đảm bảo nên năng suất vườn thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 1-1,5 tấn/ha. Năm 2013, gia đình ông Mạnh được Trạm khuyến nông huyện chọn thí điểm cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi. Ông Mạnh cho biết: Ban đầu tôi không dám thử, vì sợ không có nguồn thu trong nhiều năm kế tiếp, nhưng thấy vườn già cỗi, năng suất kém nên làm.

Vườn cà phê xanh mướt, chiều cao vừa tầm đã cho những trái bói đầu tiên

Tháng 5-2013, hơn 1 ha cà phê của gia đình ông Mạnh được ghép chồi. Những gốc cà phê cũ được đốn hạ, giữ lại chiều cao 30-35cm, sau đó ghép với chồi của những giống cao sản như TR4, TR9, TR10. Hài lòng với vườn cà phê mới, ông Mạnh hồ hởi: “Gần 600 gốc cà phê ghép chồi phát triển khá tốt, thân mập, cành dài, lá xanh tốt. Đặc biệt các tay ra nhiều và trĩu nặng những trái bói”.

Hộ anh Bùi Văn Kỳ ở tổ 6, xã Minh Hưng có 6 ha trồng điều xen cà phê. Năm 2013, được sự hướng dẫn của Trạm khuyến nông huyện, gia đình tận dụng 5 sào đất trống để trồng thêm cà phê. Tuy nhiên, gia đình anh chuyển sang trồng cà phê gốc ghép, không theo phương pháp trồng hạt truyền thống. Trong đó, gốc là những cây cà phê mít, còn ngọn ghép từ những dòng cao sản như TR4, TR9, TR10... “Cà phê ghép cây đẹp, tán dày, tay ra nhiều hơn và có khả năng chịu hạn tốt. Vườn cà phê ghép đang cho trái bói, nhìn dày và nhiều. Gia đình tôi đang cắt dần những cây cà phê hạt xấu để trồng dặm bằng cà phê ghép” - chị Bùi Thị Xuân, vợ anh Kỳ phấn khởi.

TIẾC VÌ NHÁT

Nhờ sử dụng giống chất lượng cao nên năng suất, chất lượng cà phê ghép cũng vượt trội so giống cũ, sâu bệnh ít hơn, sau 18 tháng đã cho trái bói.

Anh Hợp hài lòng với vườn xanh mướt, dày đặc trái của cây cà phê ghép

Năm 2011, gia đình anh Nguyễn Xuân Hợp ở tổ 8, xã Minh Hưng được Sở Khoa học - Công nghệ chọn thí điểm để cải tạo vườn cà phê già cỗi năng suất thấp. Năm 2013, 5 sào cà phê ghép đã cho thu hoạch. Nâng niu từng cành cà phê, anh Hợp phấn khởi: Cà phê sau khi ghép chồi khoảng 1 năm đã phát triển như cây trồng mới 3 năm tuổi và cho trái bói. Đến năm thứ 2 cây đã bắt đầu cho thu hoạch. Anh Hợp nhẩm tính: Với số lượng trái như hiện nay, mỗi gốc phải được 5kg. 400 gốc cà phê năm nay sẽ cho thu hoạch gần 2 tấn, cao gấp đôi so trồng theo phương pháp cũ.

NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA PHƯƠNG PHÁP GHÉP CHỒI
Anh Bùi Văn Vĩnh, kỹ sư Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng cho biết: Cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi có nhiều ưu điểm. Chiều cao của cây khoảng 1,7-1,8m là bấm ngọn, từ đó tạo tán, cành cấp, tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Ưu điểm lớn nhất của cà phê ghép là kháng bệnh tốt và năng suất ổn định, trung bình 2,5-3 tấn/ha. Những dòng năng suất cao như TR4 đạt 7,3 tấn/ha (1 ha = 1.100 cây), sau khi bóc vỏ thì 100 nhân đạt 17g, còn TR5 thì năng suất trên 5 tấn/ha và 100 nhân đạt 20g. Tuy hạt nhỏ hơn so cà phê trồng hạt nhưng vỏ mỏng, nhân dày.

Mặc dù cà phê chỉ mới ra trái bói, nhưng ông Mạnh cũng phấn khởi không kém khi nói về vườn cà phê ghép của gia đình. Ông Mạnh cho biết: Giống này chịu hạn tốt, qua đợt nắng nóng vẫn xanh tươi và phát triển đều. Sau những đợt mưa vừa rồi, cây tiếp tục vươn lên, trái bói ra đều và hứa hẹn sinh trưởng tốt. Ông Mạnh tiếc rẻ: “Lúc đầu nhát gan không dám ghép hết, gia đình tôi còn để lại vài chục gốc cà phê cũ. Qua năm, tôi lại nhờ các kỹ sư xuống ghép hết”.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện Bù Đăng đã thực hiện được 16 mô hình cải tạo vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi, kinh phí 20 triệu đồng/mô hình. Anh Bùi Văn Vĩnh, kỹ sư Trạm Khuyến nông huyện Bù Đăng cho biết thêm: Hiện nay, 16 mô hình cải tạo vườn cà phê bằng cách ghép chồi đang cho những trái bói đầu tiên. Khi trồng xen cà phê trong vườn điều, lượng phân bón còn làm màu mỡ thêm cho đất. Hiện nay, diện tích trồng điều của huyện là 58.526 ha, nếu người dân trồng xen canh thì Bù Đăng sẽ có diện tích cà phê khá lớn, có thể giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững.

Còn quá sớm để nói cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép chồi giúp nông dân giàu. Nhưng thực tế cho thấy, những vườn cà phê ghép xanh mơn mởn, trĩu nặng trái, ít sâu bệnh... đang mang đến sự háo hức, phấn khởi trong người dân.     

 Thanh Nga

  • Từ khóa
37401

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu