Thứ 7, 20/04/2024 21:04:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:30, 21/11/2018 GMT+7

Tín hiệu vui từ vựa điều Bù Đăng

Thứ 4, 21/11/2018 | 07:30:00 140 lượt xem
BP - “Cây điều đang bung đọt non rất đẹp. Hiện chưa thấy ai phản ánh tình hình dịch bệnh trên cây điều. Người dân đã ý thức hơn rất nhiều sau dịch bệnh khô cành, cháy lá trên cây điều từ năm ngoái. Toàn bộ vốn hỗ trợ sản xuất năm 2018 theo chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi dành trọn cho cây điều. Chúng tôi muốn người dân nhận thức được rằng việc đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây điều mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua mô hình cụ thể của người nông dân” - Phó chủ tịch UBND xã Đức Liễu (Bù Đăng) Dương Văn Thường cho biết.

NHỮNG NỖ LỰC TỪ CƠ SỞ

Vụ điều 2016-2017, toàn xã Đức Liễu có 3.485,3 ha điều thì đến 1.997 ha bị nhiễm bệnh khô cành, cháy lá. Phía sau dịch bệnh là 144 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách để hỗ trợ 257 hộ dân xã Đức Liễu bị mất mùa do sâu, bệnh hoành hành trên cây điều. Ngoài nguồn vốn trích từ ngân sách, đội ngũ cán bộ chuyên môn từ tỉnh đến huyện và cả thôn, ấp chung tay giải cứu cây điều trước thực trạng sâu, bệnh phát tán diện rộng. Nhờ đó mà tình hình dịch bệnh trên cây điều tại xã Đức Liễu nói riêng và cả tỉnh nói chung bước sang vụ mùa 2018-2019 đã khắc phục kịp thời.

Cán bộ hỗ trợ kỹ thuật xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng kiểm tra thực tế tại vườn điều của nông hộ Điểu Chon ở thôn 6

Để hỗ trợ người dân mất mùa điều công bằng, khách quan, xã Đức Liễu chỉ đạo trực tiếp các thôn, ấp họp bình xét. Thông qua biên bản bình xét của thôn, ấp, UBND xã tiến hành phúc tra, sau đó lập danh sách đề nghị gửi cấp huyện. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ người dân mất mùa điều được quy đổi bằng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong số 257 hộ dân của xã được hỗ trợ kinh phí khắc phục vườn điều thì có 130 hộ dân tộc thiểu số. Do nhận thức của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, cộng với tình hình kinh tế đang lúc khó khăn, nếu hỗ trợ bằng tiền thì khả năng tái đầu tư cho vườn điều là rất khó. Vì vậy, xã chọn phương pháp hỗ trợ trực tiếp bằng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Người dân trực tiếp nhận phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trước sự giám sát của cán bộ hội nông dân, khuyến nông và UBND xã. Sau đó, các thành viên của đội xung kích cấp xã phối hợp tổ giải cứu vườn điều cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức mở lớp tập huấn tại vườn theo phương châm cầm tay chỉ việc cho nông dân. Nhờ vậy, diện tích điều bị thiệt hại do sâu, bệnh hoành hành trong niên vụ 2016-2017 trên địa bàn xã Đức Liễu được hoàn toàn khống chế. Bước sang năm 2018, toàn bộ nguồn kinh phí 140 triệu đồng hỗ trợ sản xuất trong chương trình nông thôn mới, xã Đức Liễu dành trọn để xây dựng mô hình vườn điều bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 1 mô hình là 8,405 triệu đồng.

Không có vốn hỗ trợ sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới như xã Đức Liễu, các xã Đoàn Kết, Thọ Sơn (Bù Đăng) lại tận dụng đội hình xung kích của xã để hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức trong chăm sóc vườn điều theo từng giai đoạn phát triển. Ông Điểu Chon trồng điều ở thôn 6, xã Đoàn Kết cho biết: “Toàn bộ người dân trong thôn đều tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức. Nguồn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được xã hỗ trợ tuy không giúp vườn điều 4 ha của gia đình tôi nâng cao năng suất nhưng đã chặn được dịch bệnh trong năm 2017. Hiện vườn điều của gia đình tôi cũng như các nông hộ khác trong thôn đang vào thời kỳ ra bông kết trái, báo hiệu vụ mùa bội thu”.

ĐỂ MÙA ĐIỀU BỘI THU

“Bài học và công tác giải cứu vườn điều trên địa bàn toàn tỉnh trước tình hình sâu, bệnh hại niên vụ 2016-2017 hiện vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, cây điều đã bước vào giai đoạn trút lá để ra bông, đậu trái. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng vườn điều. Do vậy, chủ động duy trì tập huấn và phòng trừ sâu, bệnh thường xuyên cho cây điều trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết” - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cảnh báo.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm: Sau khi hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Đề án 999 của Tỉnh ủy, ngành nông nghiệp đã tổ chức thành lập tổ chỉ đạo sản xuất và phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Nhiệm vụ của tổ là hỗ trợ các huyện, thị toàn tỉnh tổ chức tập huấn theo kế hoạch, dự báo, dự tính về tình hình sâu, bệnh trên cây trồng. Tất cả thôn, ấp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã có diện tích chuyên canh về cây điều có nhu cầu tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây điều ra bông, đậu trái hay phòng trừ dịch bệnh đều được đáp ứng kịp thời nếu hội đủ điều kiện tổ chức lớp từ 30 người trở lên. Ngoài cấp tỉnh, cấp huyện cũng xây dựng tổ tập huấn với thành viên là những cán bộ chuyên môn có đủ năng lực để hỗ trợ người trồng điều cũng như các loại cây trồng khác. Riêng cây điều, cấp xã cũng phải thành lập tổ xung kích là những cán bộ thuộc hội nông dân, khuyến nông, đoàn thanh niên, phụ nữ để tập trung hỗ trợ tập huấn phương pháp chăm sóc cây điều cho người dân khi có nhu cầu.

Bù Đăng hiện có 59.514 ha điều, trong đó 58.755 ha đang cho thu hoạch. Niên vụ 2017-2018, các xã trên địa bàn huyện đã tổ chức 158 lớp tập huấn với 6.715 người tham gia. Diện tích được chăm sóc theo chương trình tập huấn ước khoảng 30.000 ha; hỗ trợ mua thuốc bảo vệ thực vật 3,325 triệu đồng/mô hình với tổng kinh phí 232,75 triệu đồng.

Thạc sĩ Lê Thúc Long, thành viên Tổ chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng thuộc Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện tại, cây điều đã trút lá hơn 70% để bước vào thời kỳ ra bông, đậu trái. Đây là thời kỳ cây điều rất mẫn cảm với thời tiết, sâu, bệnh và phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Để giúp vườn điều đạt năng suất cao, không còn cách nào hiệu quả hơn là người trồng phải thường xuyên thăm vườn để kiểm soát và sớm phát hiện các đối tượng, triệu chứng, đặc điểm gây hại đọt non cũng như bông, trái non. Gây hại chính cho cây điều giai đoạn này chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ vòi voi chích hút đọt non, lá non, bông, trái non. Những vết chích của chúng không chỉ làm khô bông, khô cành, héo trái mà còn tạo vết thương để nấm bệnh tấn công lên đọt non, cành non và cả bông, trái gây bệnh thán thư, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng vườn điều.

“Để phòng trừ các đối tượng gây hại như bọ xít muỗi, bọ vòi voi, xén tóc hay bệnh thán thư, người trồng điều cần phun thuốc ngay sau khi đối tượng gây hại còn non, mật độ bệnh còn thấp. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật hiện nay có trên 3.000 loại sản phẩm mang tên thương mại khác nhau. Do vậy, để mua đúng thuốc, nông dân cần đọc kỹ tên hoạt chất của thuốc và thường xuyên luân phiên thuốc để tránh tình trạng sâu, bệnh kháng thuốc, đặc biệt khi sử dụng phải dựa trên nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng bệnh, đúng liều lượng và đúng lúc” - thạc sĩ Lê Thúc Long khuyến cáo.

Đông Kiểm - Ngọc Bích

  • Từ khóa
43543

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu