Thứ 6, 29/03/2024 19:44:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:59, 26/02/2015 GMT+7

UBTVQH thảo luận dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội

Thứ 5, 26/02/2015 | 09:59:00 1,136 lượt xem
BPO - Ngày 25-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 35 bằng việc cho ý kiến dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.


Phiên họp thứ 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một nội dung được thảo luận nhiều tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua là việc quy định Hội đồng Bầu cử quốc gia. 

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nội dung này được thể hiện thành hai phương án trong dự thảo Luật. 

Phương án thứ nhất là Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội. Các thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoạt động kiêm nhiệm.

Phương án thứ hai quy định thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia được bầu, phê chuẩn theo nhiệm kỳ để có thể chủ động thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bầu cử và hướng dẫn bầu cử cho HĐND ở cấp tỉnh khi có yêu cầu.

Theo phương án thứ hai, Hội đồng Bầu cử quốc gia vừa có các thành viên hoạt động thường xuyên, vừa có các thành viên hoạt động kiêm nhiệm. Hội đồng Bầu cử quốc gia có thể có bộ phận giúp việc riêng hoặc sử dụng bộ máy giúp việc hiện có trong cơ cấu của Văn phòng Quốc hội hoặc Ban thuộc UBTVQH. Do đó, về cơ bản phương án này cũng không làm phát sinh đáng kể về biên chế, bộ máy.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong UBTVQH không đồng tình với phương án hai vì cho rằng gây lãng phí và làm bộ máy cồng kềnh.

“Thành lập Hội đồng Bầu cử rồi kéo dài một nhiệm kỳ thì gây lãng phí nguồn nhân lực, vì có bộ máy thì phải có tổ chức, có 2 tới 3 người để giúp việc...”, ông Ksor Phước nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng tình theo phương án thứ 2 mà đề nghị nên thực hiện theo phương án thứ nhất, Hội đồng Bầu cử nên kết thúc khi hoàn thành sứ mệnh.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung một số hình thức tuyên truyền, vận động bầu cử (như vận động theo giới, người ứng cử tự vận động...) vào dự thảo Luật. 

Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý cho biết UBTVQH cho rằng việc dự thảo Luật trình Quốc hội chỉ giới hạn hai hình thức vận động bầu cử là: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là để bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa những người ứng cử, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho cuộc bầu cử.

Đây là những hình thức vận động bầu cử cơ bản, qua áp dụng trên thực tế đã cho thấy sự hợp lý và hiệu quả. Việc bổ sung thêm các hình thức vận động bầu cử khác là không thật sự cần thiết, khó bảo đảm sự công bằng giữa các người ứng cử.

Nguồn Chinhphu.vn

  • Từ khóa
12628

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu