Thứ 6, 29/03/2024 04:34:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 09:35, 17/12/2014 GMT+7

Tình cảm Albert Einstein dành cho Marie Curie trong lá thư mới tìm thấy

Thứ 4, 17/12/2014 | 09:35:00 1,165 lượt xem
BPO - Trong một lá thư mới được tìm thấy mới đây, người ta đã hiểu được tình bạn giữa hai nhà khoa học nổi tiếng hàng đầu thế giới - Albert Einstein và Marie Curie.

Trong thư gửi cho nhà vật lý - hóa học Marie Curie, Albert Einstein đã khuyên người bạn của mình bỏ ngoài tai những lời đồn đại gây sốc về chủng tộc và đời sống riêng tư của bà.

Tại thời điểm năm 1911, có khá nhiều lời đồn đại lùm xùm về Marie Curie - người phụ nữ xuất chúng trong giới nghiên cứu khoa học.

Lá thư được viết vào ngày 23/11/1911, khi đó Einstein 32 tuổi, Curie 44 tuổi, trong thư có đoạn: “Nếu những kẻ thấp hèn tiếp tục bàn tán về chị, vậy thì đơn giản là đừng đọc những thứ nhảm nhí đó nữa, thay vào đó hãy để những chuyện tào lao này cho những kẻ hèn kém quan tâm, chính vì những kẻ này mà những chuyện vớ vẩn kia đã được thêu dệt nên”.

Tình cảm Albert Einstein dành cho Marie Curie trong lá thư mới tìm thấy
Trong lá thư mới được tìm thấy, Einstein (trái) đã bênh vực và an ủi người bạn của mình - Marie Curie (phải). Einstein đã khuyên Curie bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu ngớ ngẩn đang bủa vây bà vào thời điểm năm 1911.

Nhà sinh vật học vũ trụ David Grinspoon đã tìm thấy lá thư trong tập tài liệu lưu trữ của Nhà xuất bản Đại học Princeton.

Năm 1911, Marie Curie - người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giành được giải Nobel và cũng là người duy nhất trên thế giới giành được giải Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau (vật lý và hóa học) - đang là một góa phụ. Lúc này, chồng bà - nhà vật lý Pierre Curie - đã qua đời được 5 năm.

Những lời đồn đại nhảm nhí bắt đầu bủa vây Marie Curie, cho rằng bà là người Do Thái, rằng bà đang ngoại tình với một người đàn ông có vợ.

Lúc đó, Marie Curie đang sống ở Paris cùng với hai con gái. Bà đang cạnh tranh với một nhà vật lý học khác để có một ghế trong Viện hàn lâm Khoa học Pháp - nơi vốn chỉ toàn những nhà khoa học nam giới. Marie Curie liền trở thành nhân vật thu hút sự quan tâm của công chúng và nhiều câu chuyện xoay quanh bà bắt đầu được thêu dệt.

Tình cảm Albert Einstein dành cho Marie Curie trong lá thư mới tìm thấy
Nhà sinh vật học vũ trụ David Grinspoon đã tìm thấy lá thư trong kho tài liệu lưu trữ của trường Đại học Princeton.

Trong thư, Einstein cũng thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho Curie: “Tôi phải nói với chị rằng tôi vô cùng ngưỡng mộ trí tuệ, nỗ lực, và sự trung thực của chị, và tôi thấy mình thật may mắn khi từng được làm quen với chị ở Brussels”.

Lá thư đã được mở đầu theo cách khá hài hước - phong cách đặc trưng của Einstein: “Đừng cười tôi vì tôi viết thư cho chị mà chẳng có gì thú vị để nói. Nhưng tôi quá tức giận bởi cái cách xấu xa mà dư luận hiện đang chĩa vào chị, đến mức tôi buộc phải nói ra cho bớt bực mình”.

Tình cảm Albert Einstein dành cho Marie Curie trong lá thư mới tìm thấy
Năm 1911, Marie Curie (phải) đang đối mặt với những lời đàm tiếu ác ý khiến Einstein (trái) quyết định viết một lá thư an ủi.

Khi một số thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển viết thư cho Marie Curie khuyên bà không nên xuất hiện tại lễ trao giải Nobel năm 1911 vì những tai tiếng đang bủa vây bà tại thời điểm bấy giờ, nhà khoa học đã tự tin viết thư trả lời rằng:

“Nếu những tin đồn đó tiếp tục khiến các vị quan tâm, vậy thì đơn giản là đừng đọc những thứ đó nữa. Giải thưởng này được trao vì những thành tựu nghiên cứu… Tôi không thể chấp nhận rằng sự đánh giá đối với thành tựu khoa học lại bị ảnh hưởng bởi những lời đồn đại phỉ báng và sự vu khống liên quan tới cuộc sống riêng tư”.

Marie Curie qua đời năm 1934 ở tuổi 66 vì bệnh ung thư bạch cầu. Nhiều người cho rằng căn bệnh là hậu quả của việc bà đã tiếp xúc với một hàm lượng bức xạ quá cao trong thời gian dài tiến hành nghiên cứu.

Trong một cuộc bình chọn tiến hành năm 2009 bởi tờ tạp chí New Scientist, Marie Curie được cho là người phụ nữ “truyền nhiều cảm hứng nhất trong công tác nghiên cứu khoa học”.

Nhà khoa học Albert Einstein, người phát triển thuyết tương đối và giành được giải Nobel Vật lý hồi năm 1921, sinh thời vốn nổi tiếng là người trực tính, lá thư mà ông gửi tới cho Marie Curie đã minh chứng cho tính cách của ông.

Nguồn Dân Trí

  • Từ khóa
95707

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu