Thứ 4, 24/04/2024 19:11:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:22, 29/08/2017 GMT+7

Tỉnh táo trước âm mưu phá hoại đoàn kết dân tộc

Thứ 3, 29/08/2017 | 09:22:00 3,286 lượt xem
BP - Ngày 15-8-2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới. Trong đó, một lần nữa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục thể hiện sự kỳ thị và xuyên tạc thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Lợi dụng bản phúc trình này, nhiều trang mạng và các thế lực thù địch đã rêu rao, xuyên tạc thêm về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.

Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phần nói về Việt Nam cho rằng Hiến pháp Việt Nam quy định tự do tín ngưỡng và tôn giáo nhưng nhà nước rộng quyền kiểm soát sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, bản phúc trình cho rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam năm 2016 có những điều khoản hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hay các tín hữu ở Việt Nam bị nhà cầm quyền sách nhiễu, cấm đoán, đe dọa buộc phải chối bỏ đức tin của mình... Và không khó nhận ra những thông tin đó cho thấy bản phúc trình đã không tôn trọng sự thật, kích động tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm tạo sự bất ổn ở Việt Nam.

Chính sách nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ trước tới nay luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Điển hình như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có những quy định mở rộng quyền tự do tôn giáo mà rất nhiều quốc gia trên thế giới không có được, như: Người bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Hay như quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo... 

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI

Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện nay ở Việt Nam có 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, khoảng 80.000 chức sắc, 26.000 cơ sở thờ tự, hằng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo được tổ chức và 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Dẫn chứng đó cho thấy sự phong phú trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của 95 triệu người dân Việt Nam.

Còn đây là những con số tại Bình Phước - một tỉnh “vùng sâu” như bản phúc trình nêu và có khoảng 20% trong số khoảng 1 triệu dân hiện nay là đồng bào dân tộc thiểu số: Năm 2003, toàn tỉnh có 8 tôn giáo, gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Hòa hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Baha’i với tổng 179.962 tín đồ. Trong đó Phật giáo 45.797 tín đồ, Công giáo 84.974 tín đồ, Tin lành 46.886 tín đồ, Cao đài 1.911 tín đồ, Hồi giáo 326 tín đồ, Hòa hảo 52 tín đồ, Tịnh độ cư sĩ Phật hội 9 tín đồ, Baha’i 7 tín đồ. Các chức sắc, chức việc, tín đồ sinh hoạt trong 109 cơ sở thờ tự hợp pháp trên địa bàn tỉnh, trong đó Phật giáo 63 cơ sở, Công giáo 38 cơ sở, Tin lành 3 cơ sở, Cao đài 3 cơ sở, Hồi giáo 2 cơ sở. 10 năm sau, tức năm 2014, toàn tỉnh có 213.458 tín đồ tôn giáo sinh sống tại tất cả 111 xã, phường, thị trấn, tương đương 23% dân số, tăng 33.496 tín đồ so với năm 2003, tương đương tăng 18,6%. Trong đó Phật giáo có 59.101 tín đồ; Công giáo 93.477 tín đồ; Tin lành 57.519 tín đồ; Cao đài 2.665 tín đồ; Hồi giáo 437 tín đồ; Hòa hảo 186 tín đồ; Tịnh độ cư sĩ Phật hội 37 tín đồ; Baha’i 36 tín đồ. Nhà thờ, chùa, thánh thất, nhà nguyện hợp pháp tăng lên 221 cơ sở, trong đó Phật giáo 115 cơ sở, Công giáo 95 cơ sở, Tin lành 6 cơ sở, Cao đài 3 cơ sở, Hồi giáo 2 cơ sở...

SỰ THẬT KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC

Từ nhiều năm nay, ở các nước châu Âu và cả ở nước Mỹ, do kỳ thị dân tộc, tôn giáo mà luôn phải đối mặt với những cuộc “thánh chiến”, khủng bố dẫn đến đời sống bất an và hằng năm cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trong khi đó, các tín đồ và cơ sở tôn giáo ở Bình Phước nói riêng, ở Việt Nam nói chung sinh sống, hoạt động rất hòa hợp, đan xen trong các khu dân cư với phương châm “tốt đời đẹp đạo”. Các chức sắc, chức việc tôn giáo tôn trọng tín ngưỡng của nhau, chung tay cùng chính quyền chăm lo tín đồ và nhân dân nâng cao dân trí, phát triển kinh tế. Đồng bào tôn giáo ở Bình Phước tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Điển hình như khu đạo Công giáo an toàn tại giáo xứ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh; khu đạo không có tệ nạn xã hội tại Chi hội Tin lành Bù Đăng; các hoạt động từ thiện xã hội tại chùa Quang Minh ở thị xã Đồng Xoài, chùa Tịnh Quang ở huyện Chơn Thành, giáo xứ Tân Khai ở huyện Hớn Quản...

Theo số liệu thống kê, năm 2013 toàn tỉnh Bình Phước có 108 tín đồ là đảng viên, trong đó Phật giáo 21 đảng viên, Công giáo 73 đảng viên, Cao đài 3 đảng viên, Tin lành 11 đảng viên. Trong số 138 đại biểu HĐND các cấp có đạo, gồm: Phật giáo 50 đại biểu, Công giáo 65 đại biểu, Cao đài 1 đại biểu, Tin lành 22 đại biểu, với 2 đại biểu HĐND tỉnh, 19 đại biểu HĐND huyện, 117 đại biểu HĐND xã. Có 306 chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia MTTQ các cấp.

Những năm qua, đại đa số chức sắc, tín đồ phấn khởi trước thành tựu đạt được của Bình Phước cũng như của đất nước. Song song đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo không ngừng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào tôn giáo được tăng cường; lòng tin của chức sắc, tín đồ được củng cố, tạo sự đồng thuận, nhất trí với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và từ sự thật này, người dân có đạo và không có đạo ở Bình Phước nói riêng và trong cả nước nói chung đã hiểu ra rằng, bản phúc trình nêu trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ là trò lố bịch.

Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì thế, cùng với những con số và phân tích đã nêu, những xuyên tạc trong các bản phúc trình về tự do tôn giáo ở Việt Nam chắc chắn không thể phá hoại sự đoàn kết ấy và cũng không thể làm cho các tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo ở Việt Nam lung lay niềm tin đối với đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.

Trần Phương

  • Từ khóa
2666

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu