Thứ 4, 24/04/2024 07:04:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:07, 19/09/2013 GMT+7

UBTVQH thảo luận về sửa Luật Bảo vệ môi trường

Thứ 5, 19/09/2013 | 15:07:00 1,754 lượt xem

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày tờ trình dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp
Sáng 19-9, tiếp tục Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh việc sửa đổi nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước...

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết 8 năm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong hoạt động bảo vệ môi trường, đồng thời bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế của công tác bảo vệ môi trường. 

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung và cụ thể hơn những quy định liên quan đến quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực hoạt động bảo vệ môi trường. Quy định của dự thảo Luật phải phát huy nội lực của nhân dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm môi trường. 

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cần rà soát để loại bỏ những quy định thiếu tính khả thi. 

Luật Bảo vệ môi trường liên quan chặt chẽ đến pháp luật về đất đai, năng lượng, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản, phòng chống thiên tai, an toàn thực phẩm, giao thông, an toàn bức xạ, an toàn sinh học, kiểm dịch thực vật... 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá các quy định trong dự thảo luật về cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật cần tiếp tục so sánh, đối chiếu với các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với các luật đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban soạn thảo trong quá trình xây dựng để đảm bảo tính thống nhất. 

Dự thảo Luật áp dụng đối với mọi tổ chức và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ, các vùng biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi, không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” đất liền mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, theo quy định tại Luật biển Việt Nam (năm 2012) thì vùng biển Việt Nam bao gồm nội địa, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế và biên giới lãnh thổ mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Do đó, đại biểu Nguyễn Kim Khoa đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh đối tượng áp dụng cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là Luật biển Việt Nam. 

Liên quan đến vấn đề đánh giá tác động môi trường, dự thảo luật quy định, đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, thuộc thẩm quyền đầu tư của Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư.” 

Như vậy, việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án này phải được tiến hành 2 bước: đánh giá tác động môi trường sơ bộ và đánh giá tác động môi trường. 

Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng thực tiễn thời gian qua có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư, nhưng sau khi đánh giá tác động môi trường, có những tác động xấu buộc phải điều chỉnh, thậm chí phải đình chỉ dự án gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định 2 bước đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án lớn có tác động xấu đến môi trường phải do Thủ tướng Chính phủ quy định là cần thiết. 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc quy định 2 bước đánh giá tác động môi trường sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Đánh giá tác động môi trường sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, nảy sinh xung đột với một số quy định của các luật khác như Luật Đầu tư. 

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định này để đảm bảo thực sự không phát sinh các thủ tục hành chính rườm rà và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. 

Liên quan đến vấn đề khởi kiện môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể phát hiện trong thời gian ngắn kể từ ngày xảy ra vi phạm, nhưng cũng có thể phát hiện sau nhiều năm. Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật Dân sự về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ được khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm hại. Trên thực tế, nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện đã hết thời điểm khởi kiện. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiện đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định thời hiệu khởi kiện tính từ thời điểm lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm. 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn dự thảo Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời sắp xếp lại các điều, khoản phù hợp, tránh trùng lặp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; hoàn chỉnh thêm những nội dung đã qua kiểm nghiệm thực tiễn, sớm hoàn thiện dự thảo Luật để gửi các đại biểu Quốc hội trước khi trình tại Kỳ họp thứ 6.
 
(Theo TTXVN)
  • Từ khóa
8914

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu