Thứ 7, 27/04/2024 08:07:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 07:21, 03/05/2018 GMT+7

Tổ hợp tác - nơi gắn kết và tìm đầu ra trong chăn nuôi

Thứ 5, 03/05/2018 | 07:21:00 409 lượt xem
BP - Hiện việc nâng cao chất lượng tiêu chí 13 (hình thức tổ chức sản xuất) trong chương trình xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn, bởi việc duy trì hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã không đơn giản do người dân trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ và tự phát. Tuy nhiên, tiêu chí này đang được Hội Nông dân xã Long Giang (Phước Long) phát huy hiệu quả qua việc liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, cây - con giống và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nuôi heo bằng nệm lót sinh học

Tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm ô nhiễm môi trường và tái sử dụng để chăm sóc cây trồng, giá heo cao hơn hẳn so với nuôi truyền thống. Đây là cách làm đang được Tổ hợp tác nuôi heo trên nền nệm lót sinh học thôn Nhơn Hòa 1 và nông dân xã Long Giang áp dụng thành công.

Tổ hợp tác chăn nuôi heo thịt thôn Nhơn Hòa 1 có 11 thành viên, nuôi khoảng 600 con heo thịt. Trong đó, 8 hội viên đang nuôi heo trên nền nệm lót sinh học. Là người tiên phong trong phong trào nuôi heo bằng hình thức này, anh Phạm Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Giang chia sẻ: “Thôn Nhơn Hòa 1 trước đây có truyền thống nấu rượu, nuôi heo. Nhà nào ít cũng vài con, nhiều lên đến hàng trăm con. Vì nuôi tự phát và phụ thuộc vào thị trường nên giá heo lên xuống thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ đàn của các hộ”.

Nhờ chăm chỉ lao động, sử dụng vốn vay hiệu quả mà ông Điểu Khuy đã trả hết nợ

Sau khi tìm hiểu về nuôi heo trên nền nệm lót sinh học cho hiệu quả cao ở một số nơi trong tỉnh, anh Cường chọn thị xã Bình Long - nơi có tổng đàn heo lớn nhất, nhì tỉnh để học tập kinh nghiệm. Từ thực tiễn, anh điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện địa bàn rồi phổ biến rộng rãi cho các hộ chăn nuôi trong xã học tập. Anh Cường cho biết, 2/3 diện tích chuồng nuôi dùng đặt nệm lót sinh học, còn lại làm chỗ ăn và “sân chơi”, mùn cưa từ nệm lót sẽ không bị lẫn vào máng ăn.

Nệm lót sinh học cũng đơn giản, chỉ cần tro trấu, mùn cưa, men và cám gạo trộn đều với nhau. Anh Cường nói: Men vi sinh giúp phân hủy toàn bộ chất thải, mùi hôi từ chất thải của heo nên người chăn nuôi không tốn công vệ sinh, dọn dẹp chuồng trại. Tôi đang nuôi 100 con heo, trong đó 20 con nuôi trên nệm lót sinh học. Chi phí đầu tư một chuồng 20m2 khoảng 1,2 triệu đồng. Trong chuồng lắp thêm quạt, hệ thống phun sương để heo không bị nóng và giúp vi sinh vật dễ lên men. Nệm lót sinh học làm và vận hành đúng cách sẽ sử dụng được trong 5 năm, giúp giảm chi phí phòng bệnh, heo ít bị bệnh và giảm 60% công lao động.

Ông Phạm Quốc Hùng, thành viên tổ hợp tác cho biết: “Với diện tích 30m2, tôi đang nuôi 11 con heo thịt. Nuôi heo bằng nệm sinh học tiết kiệm được điện, nước vì không cần dọn dẹp chuồng nuôi như trước và thời gian nuôi rút ngắn còn 3 tháng 10 ngày. Sau khi nuôi 4 hoặc 5 lứa, đem nệm lót ra bón cây trồng hoặc đóng thành bao bán cho các hộ có nhu cầu chăm sóc cây trồng với giá 25 ngàn đồng/bao. Heo nuôi trên nền nệm lót được thương lái mua giá cao hơn so với nuôi truyền thống vì heo vận động nhiều, thịt chắc, ít bệnh. Trước đây nông dân làm tự do, bị hạn chế thông tin nên thường bị động, nhất là khâu phòng, chống dịch bệnh. Vào tổ hợp tác, tôi được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, lại nắm bắt được giá thị trường. Nếu giá heo tăng, tôi sẽ đầu tư mở rộng chuồng nuôi để tăng đàn”.

Từ trang trại tới bàn ăn

Nhằm giảm khâu trung gian, Hội Nông dân xã đã liên hệ với Công ty TNHH dinh dưỡng Á Châu ở tỉnh Bình Dương mua cám với giá ưu đãi từ 30-40 ngàn đồng/bao. Ưu điểm của loại cám này là thành phần giống cám truyền thống, không dùng chất cấm trong chăn nuôi. Anh Cường nhẩm tính: Một con heo từ nhỏ đến khi xuất bán ăn khoảng 8 bao cám. Thời gian qua, giá heo liên tục giảm khiến người chăn nuôi lỗ nặng, nhưng với hình thức này, nhiều hội viên vẫn giữ đàn nhờ đầu vào giảm.

Trước tình hình giá heo giảm thấp, tổ hợp tác đã xây dựng cửa hàng thịt heo sạch, an toàn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân từ chăn nuôi đến thành phẩm. Cửa hàng đặt tại khu trung tâm hành chính thị xã Phước Long cũ để phục vụ người dân. “Đây là cửa hàng thịt heo sạch đầu tiên của thị xã thực hiện mô hình khép kín theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra. Tổ hợp tác mua heo hơi cao hơn giá thị trường và bán thịt với giá rẻ hơn. Heo được mổ tại lò có dấu kiểm định của cơ quan thú y, không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn tạo động lực để nông dân tiếp tục giữ đàn và đầu tư phát triển chăn nuôi. Vì giảm khâu trung gian nên người chăn nuôi bán với giá 30-40 ngàn đồng/kg đã có lời. Mô hình từ trang trại đến bàn ăn góp phần đảm bảo thịt heo sạch, chất lượng cho người tiêu dùng” - anh Cường khẳng định.

Quản lý vốn vay hiệu quả

Anh Phạm Quốc Cường cho biết thêm: Nhờ làm tốt quản lý, năng động trong tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên không chỉ Tổ hợp tác chăn nuôi heo thịt thôn Nhơn Hòa 1 mà các tổ hợp tác khác trên địa bàn xã Long Giang cũng ngày càng phát huy hiệu quả. Thành quả này còn có sự tác động rất lớn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện quỹ và ngân hàng đã giải ngân cho nông dân vay gần 4,4 tỷ đồng phát triển sản xuất, đặc biệt không có nợ quá hạn.

Ấp 7, xã Long Giang có 120 hộ, trong đó 80 hộ dân tộc S’tiêng sinh sống lâu đời. Hiện ấp được vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội với tổng vốn khoảng 2,5 tỷ đồng. Người dân không bị vướng vào “tín dụng đen”, nhờ đó giữ được đất sản xuất và phát triển kinh tế. Trong ấp thành lập tổ nghề nghiệp nuôi heo rừng lai gồm 5 hội viên, số lượng trên 50 con.

Từ 5 con heo sọc được Hội Nông dân xã hỗ trợ, đến nay ông Điểu Khuy đã nhân giống lên 20 con. Khẩu phần ăn của heo rừng lai dễ kiếm, như rau lang, rau muống, cỏ voi. Để heo đạt tiêu chuẩn “nạc sát da”, ông Điểu Khuy cho heo ăn chủ yếu là cỏ voi và một lượng nhỏ thức ăn tinh. Ông khoe: “Dịp tết Nguyên đán vừa rồi tôi bán được 5 con heo với giá 80-100 ngàn đồng/kg. Từ số tiền bán heo và thu hoạch vụ điều, gia đình đã trả xong 30 triệu đồng vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân”. Không chỉ gia đình ông Khuy mà các hộ vay vốn đều không để xảy ra nợ quá hạn.

Thực hiện tiêu chí số 13 về “hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, Hội Nông dân xã đã thành lập được 1 tổ hợp tác chăn nuôi heo thịt trên nền nệm lót sinh học, 1 tổ hợp tác chăn nuôi heo sọc đen của đồng bào dân tộc thiểu số, 1 chi hội nghề nghiệp và 1 tổ hội nghề nghiệp, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho 37 hộ, đã sinh sản được 10 con bê, tạo tiền đề nâng cấp tổ hợp tác lên hợp tác xã.

N.- P.Thảo

  • Từ khóa
42673

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu