Thứ 6, 19/04/2024 19:27:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:10, 11/06/2019 GMT+7

Tổ quốc trên hết

Thứ 3, 11/06/2019 | 15:10:00 227 lượt xem

BP - Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu sang Nam Kinh để xuất bản Việt Thanh Báo, gây quỹ cho phong trào, rồi đi diễn thuyết vận động bằng tiếng Trung Hoa tại Nam Kinh, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh... và những nơi Việt kiều cư trú. Tháng 7-1917, hoạt động phong trào tại Nhật rất khó khăn, bà Hoàng Thị Tòng gặp ông bà chính khách Toshzo Nishio (bà vợ là người Đức) để bàn việc vận động Chính phủ Đức giúp đỡ phong trào cứu nước.

Sau đó, bà gặp Phan Bội Châu và các đồng chí trong Việt Nam Quang Phục hội, được tổ chức thống nhất cử sang Đức cùng đi với bà Toshzo Nishio để vận động cầu viện Chính phủ Đức. Đến nước Đức, bà Hoàng Thị Tòng đi diễn thuyết lên án chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, trình bày nguyện vọng của nhân dân bị trị. Bà đi diễn thuyết nhiều nơi từ Berlin, Luneburg, Born... đều bằng tiếng Đức. Nhưng tình thế thay đổi, chiến tranh thế giới lần thứ I nổ ra, Chính phủ Đức không thể giúp đỡ vũ khí mà chỉ ủng hộ 20 ngàn đồng tiền Đức. Sau 3 tháng vận động, bà trở về Hàng Châu, Trung Hoa trình bày kết quả việc đi Đức với Phan Bội Châu để lo liệu việc tiếp theo.

Minh họa: S.H

Năm 1918, vụ đầu độc Hà Thành do Việt Nam Quang Phục hội tổ chức bị thất bại, Pháp khủng bố ác liệt, tổ chức bị suy giảm, bà Hoàng Thị Tòng từ Trung Hoa sang Thái Lan để củng cố hoạt động phong trào, tìm nguồn tài chính và vũ khí quân sự. Bà ở Thái Lan 3 tháng, đi nhiều nơi từ Băng Cốc, Xa Khuông, Lu Xa... để diễn thuyết vận động, thu được 30 ngàn bạt để về nước mở trường kiểu mẫu. Bà trở lại Nam Kinh vào tháng 5-1918 và tháng 7 năm đó, do tình hình thế giới chuyển biến buộc thực dân Pháp phải nới lỏng chính sách thuộc địa, Việt Nam Quang Phục hội đưa bà trở về nước để đấu tranh hợp pháp trong tình thế mới.

Về đến quê nhà, bà lo việc mở trường, tháng 1-1919, ra đời trường lấy tên “Khai trí Quốc dân” đầu tiên ở làng Thạnh Bình, Tiên Phước, có đến 476 học sinh theo lớp. Trường dạy 4 môn Quốc ngữ, Hán tự, Pháp văn kiêm Anh văn và tiếng Nhật. Khi đã ổn định, trường Khai trí Quốc dân mở được hơn 1 tháng thì bà Hoàng Thị Tòng lại năng nổ, luôn luôn hoạt động không ngơi nghỉ, bàn chân quen thuộc mọi nẻo đường của bà lại hành trình vào Nam ra Bắc để tiếp tục sự nghiệp “Khai trí trị sinh, chấn hưng dân khí, khôi phục quốc quyền”.

Bà đề nghị Chính phủ Bảo hộ Pháp và Công sứ Hội An là Jean Coru thay đổi chính sách cai trị, cải tạo xã hội, mở mang dân trí, giao thông, y tế, công thương, không hạn chế sách báo tân học.. Bà vận động giới trí thức, nhân sĩ yêu nước chung sức mở, tùy địa dư mỗi huyện, phủ tối thiểu phải có vài ba trường để khai hóa dân trí. Sau khi vào Quảng Ngãi và Bình Định vận động Duy Tân, Hoàng Thị Tòng trở ra Quảng Nam gặp Công sứ Jean Coru để phản đối chính quyền thực dân khám xét, tịch thu sách, cấm mở trường Khai trí Quốc dân. Tại tòa công sứ Hội An, bà đã đấu lý bằng tiếng Pháp trôi chảy, buộc viên công sứ phải chấp nhận cho mở trường trở lại.

Dự định của Hoàng Thị Tòng sau đó sẽ tiếp tục vào Bình Thuận, Ninh Thuận và Nam kỳ lục tỉnh diễn thuyết, vận động cải cách. Nhưng năm đó ở Tiên Phước xảy ra dịch bệnh đậu mùa trầm trọng, bà và 2 người con bị nhiễm bệnh rất nặng. Bà qua đời ngày 20-7-1919, khi mới 34 tuổi, sau đó chưa đầy 1 tháng, 2 người con của bà mới 6 tuổi cũng qua đời do bệnh không cứu chữa được. Trước khi qua đời, với tấm lòng yêu nước thiết tha nhắn gửi cho đồng bào, đồng chí, bà Hoàng Thị Tòng để lại “Di tự” bằng tiếng Hán, với đoạn viết như sau: “Làm người đối với gia đình, xã hội, Tổ quốc, không phân biệt trai gái... Mọi người rèn luyện tư cách, học xử thế, góp tài sức cho đời, xây dựng tương lai cho bản thân và xã hội... Đã là làm người, không ai được lãnh đạm trốn tránh trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, Tổ quốc. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Tổ quốc trên hết”.

Lời bàn:

Tuy là phụ nữ được sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học của chế độ phong kiến cuối cùng ở nước ta, song bà Hoàng Thị Tòng không chấp nhận nữ nhi “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, mà đã bôn ba nhiều nước trên thế giới để vận động cho phong trào Duy Tân. Khi trở về nước, bà đã tích cực vận động giới trí thức, nhân sĩ yêu nước chung sức mở trường để khai hóa dân trí. Phong trào Duy Tân ở miền Trung diễn ra từ năm 1906-1908. Mục tiêu của phong trào Duy Tân là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, mở mang trình độ hiểu biết cho người dân để có ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với đất nước.

Tuy nhiên, phong trào này không giải quyết được mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc đó là: Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp, mâu thuẫn sâu sắc giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại nhanh chóng của phong trào. Mặc dù vậy, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của bà có những đóng góp to lớn cho sách lược đấu tranh bất bạo động vào thời đó. 100 năm đã qua, những bài học của phong trào Duy Tân cũng như tư tưởng của bà Hoàng Thị Tòng vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục, đào tạo. Bởi lẽ, nói đến sự nghiệp đổi mới hôm nay không thể không nói đến đổi mới tư duy văn hóa, trong đó có văn hóa lối sống, văn hóa tư tưởng, văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật và rất nhiều lĩnh vực khác đang đặt ra trong bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập mạnh mẽ với nền văn minh mới của thế giới toàn cầu hóa và phát triển nền kinh tế tri thức hiện nay.

N.D

  • Từ khóa
110190

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu