Thứ 7, 20/04/2024 13:39:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:54, 19/07/2013 GMT+7

Bù Gia Mập vẫn là “vùng rốn” của sốt rét

Thứ 6, 19/07/2013 | 08:54:00 303 lượt xem

Huyện Bù Gia Mập là “vùng rốn” sốt rét không chỉ của tỉnh, mà cả khu vực Đông Nam bộ. Bởi đây là vùng sốt rét lưu hành trong nhiều năm qua và có số ca mắc bệnh cao nhất so với các huyện trong tỉnh. Mặc dù hằng năm ngành y tế đã chú trọng khoanh vùng, tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, nhưng bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa.

NGUYÊN NHÂN CHÍNH LÀM TĂNG BỆNH SỐT RÉT

Xã Đắk Ơ có số dân di cư tự do hàng năm cao nhất tỉnh, chủ yếu là lao động tự do, làm công cho các chủ vườn rẫy hoặc thuê đất trồng mì theo thời vụ. Họ sinh hoạt trong rẫy, sống trong những túp lều, không nước sạch, không áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét. Điều đáng nói là sau khi phát hiện có triệu chứng bệnh, nhiều người tự mua thuốc điều trị tại nhà, chỉ đến khi bệnh không thuyên giảm mới đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

kham benh cho đồng bào
Nhân viên Trạm y tế xã Bù Gia Mập lấy lam xét nghiệm cho bệnh nhân nghi mắc sốt rét

Thôn 2 Bù Khơn, xã Đắk Ơ có hàng chục người mắc sốt rét mỗi năm. Mặc dù họ được nhân viên y tế thôn bản đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng tránh sốt rét. Bà Thị Hiệp ở thôn 2 Bù Khơn nói: Mùa mưa, bà con mải đi làm rẫy, không ở nhà để người đến phun xịt thuốc, tẩm mùng chống muỗi nên nhiều người mắc bệnh sốt rét.

6 tháng đầu năm 2013, xã Đắk Ơ có 458 người mắc bệnh sốt rét, trong đó có gần 200 người từ các tỉnh khác đến. Bác sĩ Trần Văn Nhân, Trưởng trạm y tế xã Đắk Ơ cho biết: Địa bàn xã rộng, các tiểu khu đường đi khó khăn, dân cư thưa thớt, địa hình trở ngại, người dân ở lại nhiều ngày trong rẫy nên khó khăn trong việc phun tẩm và phòng chống sốt rét hàng năm.

Xã Bù Gia Mập là địa bàn có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét cao của huyện. 6 tháng đầu năm, xã có 120 người bị sốt rét, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 8 thôn, trong đó thôn Bù Lư có nhiều người bị sốt rét, bởi địa bàn giáp với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, lao động tự do thường đi rừng hái nấm, măng và làm công cho các chủ vườn, sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn vật dụng cá nhân (mùng, mền), chỗ ở ẩm thấp nên dễ phát sinh bệnh.

Ở xã Bù Gia Mập cũng có nhiều lao động tự do đến làm công theo mùa vụ nên rất khó quản lý. Một người dân ở thôn Bù Lư cho biết: “Những người sống trong những căn chòi này là lao động nơi khác đến. Họ thường mượn đất để cắm chòi ở tạm, nếu làm xa thì dọn đến rẫy ở. Hết thời vụ lại đi”. Chính sự tạm bợ này là nguyên nhân làm tăng bệnh sốt rét trong khu dân cư.

Bác sĩ Vũ Ngọc Tám, Trưởng trạm y tế xã Bù Gia Mập cho biết: Thường vào đầu và cuối mùa mưa tỷ lệ mắc bệnh sốt rét cao nhất. Người dân còn lơ là, chủ quan với bệnh, khi có biểu hiện, triệu chứng sốt nặng mới đến trạm y tế điều trị. Đây cũng là nguy cơ lây lan từ người bệnh sang người khỏe ở trong cùng một gia đình hoặc khu dân cư.

NÂNG CAO Ý THỨC NGƯỜI DÂN

Mỗi năm 2 lần, đội phun tẩm mùng các xã trong huyện đi khắp thôn, ấp để tẩm mùng, phun hóa chất chống muỗi cho từng hộ dân, nhất là các thôn có tỷ lệ sốt rét lưu hành cao. Chị Thị Hiếu, nhân viên y tế thôn 2 Bù Khơn cho biết: Tôi thường xuyên đến từng nhà vận động cách phòng trị sốt rét, ăn chín uống sôi, vệ sinh nhà cửa. Có người làm ngay nhưng có người không hiểu thì mình phải tiếp tục vận động để họ hiểu và thực hiện.

Là xã có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở tốp đầu của tỉnh nên ngay từ đầu mùa mưa năm nay, Đắk Ơ đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền về phòng, chống bệnh như: lồng ghép trong các buổi họp thôn, phát tờ rơi, tổ chức phun thuốc, tẩm mùng... Tuy nhiên, số lao động tự do đến địa bàn xã quá nhiều, là nguyên nhân lây lan bệnh trên diện rộng nên tính đến thời điểm này, số ca mắc sốt rét ở Đắk Ơ vẫn ở mức cao.

Bác sĩ Lại Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bù Gia Mập cho biết: Huyện là trọng điểm lưu hành sốt rét nhiều năm qua, hiện vẫn chưa khống chế được tình trạng này. 6 tháng đầu năm 2013, toàn huyện có 753 người mắc bệnh sốt rét. Muốn giảm tỷ lệ này, phải kiểm soát chặt chẽ số dân di cư tự do để tuyên truyền phổ biến rộng rãi về phòng, chống bệnh, từ đó có phương án phát thuốc hoặc tẩm mùng đồng loạt cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tẩm mùng bằng hóa chất; san lấp các ao, hồ, vũng nước chứa nhiều loăng quăng; vệ sinh nhà cửa gọn gàng, phát quang bụi rậm tránh muỗi trú ngụ... Khi phát hiện triệu chứng bệnh sốt rét, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.                      

Hải Châu

  • Từ khóa
46075

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu