Thứ 6, 29/03/2024 09:20:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:22, 19/11/2014 GMT+7

Khu ĐCĐC ấp Pa Pếch khát nước sạch

Thứ 4, 19/11/2014 | 10:22:00 175 lượt xem

BP - Năm 2010, khu định, canh định cư (ĐCĐC) ấp Pa Pếch (xã Tân Hưng, Đồng Phú) được hình thành với 74 hộ đồng bào DTTS từ xã Tân Hưng và Tân Phước được hỗ trợ đất sản xuất, 63 hộ được hỗ trợ làm nhà cấp 4. Đây là khu ĐCĐC xen ghép theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn để thực hiện dự án được trung ương hỗ trợ bình quân 18 triệu đồng/hộ để thực hiện 5 đầu việc, trong đó có hỗ trợ giải phóng mặt bằng cấp đất sản xuất cho dân, làm nhà ở và công trình cấp nước sinh hoạt... Do nguồn kinh phí quá hạn hẹp, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh vận động hỗ trợ thêm. Dự án được giao cho UBND huyện Đồng Phú thực hiện với tổng kinh phí 25 triệu đồng/hộ.

Công an Đồng Phú tặng quà cho 61 hộ nghèo ở khu ĐCĐC ấp Thạch Màn, xã Tân Lợi (ảnh minh họa)

Là khu ĐCĐC xen ghép, không được đầu tư tập trung nên điều kiện sống của đồng bào hết sức khó khăn. Ngoài căn nhà cấp 4 và 0,5 ha đất trồng cao su/hộ thì chỉ còn những con số không: không đường, không trường, không điện, không chợ, không nước sinh hoạt... Hiện khu ĐCĐC này không có điểm trường nên lớp mầm non phải học nhờ tại nhà dân. Những gia đình có con em học phổ thông phải vượt 20km đưa con đến xã Tân Phước học. Một số hộ dù rất khó khăn vẫn phải gửi con tại trung tâm xã Tân Phước hoặc Tân Hưng để học. Vào thời điểm Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát tình hình đời sống bà con khu ĐCĐC xen ghép, ấp Pa Pếch có nhiều em đã quá tuổi vào lớp Một nhưng vẫn không được đến trường vì cha mẹ không có điều kiện. Trong khi đó, do đất xấu, cao su không phát triển, cây yếu nên diện tích trồng cao su của nhiều hộ đã bị gãy đổ qua các mùa mưa bão nhưng không có điều kiện trồng dặm lại. Vì thế, thu nhập của bà con chủ yếu từ khoai, đậu trồng xen trên 0,5 ha cao su và làm thuê. Hiện mới chỉ có 21 hộ được Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ thiết bị điện năng lượng mặt trời.

Khổ nhất là không có nước sinh hoạt. Mùa mưa còn có thể hứng nước để dùng, nhưng mùa khô bà con phải đi rất xa xin nước. Khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ giếng đào, xã Tân Hưng đã họp dân để triển khai nhưng các hộ dân không đồng tình vì khu vực này có đá bàn nên đào giếng không có nước. Bà con đề nghị khoan giếng, trang bị máy bơm nhưng Chi cục thủy lợi là đơn vị thực hiện không đồng ý vì sẽ khó quản lý máy bơm và xăng chạy máy. Phương án Chi cục thủy lợi đưa ra là khai thác giếng cũ của Nông trường Tân Hưng, bơm nước lên đồi cao lắng lọc rồi làm đường ống dẫn nước về khu ĐCĐC. Nguồn kinh phí sẽ được lấy từ Quỹ phòng chống hạn hán. Do điều kiện sinh sống quá khó khăn nên đến nay chỉ 31/63 hộ (là những hộ không còn cách nào khác) ở tại khu ĐCĐC, 32 hộ còn có đất nơi khác hoặc ở nhờ được bà con họ hàng thì đi về khu ĐCĐC để chăm sóc diện tích cao su.

Không có đường để đi xe máy thì có thể đi bộ. Không có điểm trường có thể gửi con học nơi khác hoặc nghỉ học. Không có điện có thể thắp đèn dầu. Nhưng không có nước thì không thể sống lâu dài được. Vì thế, dù bằng cách này hay cách khác, Chi cục thủy lợi cần sớm chọn phương án thích hợp nhất để bà con có nước sinh hoạt. Đó không chỉ nguyện vọng của bà con khu ĐCĐC ấp Pa Pếch mà còn là việc làm cụ thể để chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS thực sự mang lại hiệu quả.                                  

B.K

  • Từ khóa
50275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu