Thứ 3, 23/04/2024 18:50:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:19, 08/04/2013 GMT+7

Phòng chống cháy rừng - trách nhiệm của toàn xã hội

Thứ 2, 08/04/2013 | 08:19:00 193 lượt xem

Bù Đốp hiện đang ở thời kỳ cao điểm của mùa khô hanh với những đợt nắng nóng liên tục và kéo dài. Đây cũng là thời điểm cây rừng biên giới đã trút hết lá, nếu để xảy ra cháy rừng thì mức độ cháy rất lớn, tốc độ lan nhanh, hậu quả khó lường. Phóng viên (PV) Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp về công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện.

P.V: Xin ông cho biết thực trạng bảo vệ và phòng chống cháy rừng của huyện thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Ách: Bù Đốp hiện còn 11.215 ha rừng. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ có 4.619 ha và 1.144 ha rừng phòng hộ biên giới, còn lại là rừng sản xuất. Trước đây, Hạt kiểm lâm và Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp duy trì được mối liên kết nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn ổn định, không để xảy ra phá rừng làm rẫy, xâm chiếm đất rừng. Các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, sau khi chuyển giao Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp thành Nông lâm trường Bù Đốp thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé, đồng thời chuyển đổi số diện tích rừng tự nhiên sang các dự án trồng cao su thì cơ chế quản lý của huyện, sự liên kết giữa hạt với nông lâm trường không thuận lợi và không sâu sát. Do đó, hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng thời gian gần đây giảm đáng kể. Mặt khác, việc thiết kế vị trí chuyển đổi rừng sang trồng cao su đã tạo thế da beo xen kẽ giữa rừng cần bảo vệ và dự án chuyển đổi, làm cho công tác quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến phòng chống cháy. Từ thực tế đó, nhằm giữ tốt diện tích rừng hiện còn, ngoài công tác tuyên truyền, phối hợp, Hạt kiểm lâm huyện đang triển khai hệ thống tuyến tuần tra quản lý bảo vệ rừng trên lâm phần cùng các biện pháp ngăn chặn người vào rừng trái phép.


Cán bộ kiểm lâm huyện Bù Đốp phát đường tuyến để bảo vệ rừng

Đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hạt đã chủ động chuẩn bị các công cụ, phương tiện cảnh báo và chữa cháy rừng bảo đảm hiệu quả cao nhất. Theo đó, trên tuyến bộ, hạt trang bị các loại xe bồn, xe đạp thồ, máy thổi gió... Tuyến sông trang bị hệ thống chữa cháy trên các phương tiện di chuyển đường thủy, đủ khả năng cơ động và chữa cháy rừng; đồng thời phân công cán bộ trực tại các trạm đặt dọc tuyến sông. Mới đây, chúng tôi còn thiết kế hệ thống phun nước chữa cháy rừng từ việc vận dụng nguyên lý hoạt động của mô-tơ nước. Qua thử nghiệm đã cho hiệu quả rõ rệt và có tính cơ động cao.

P.V: Ông có thể cho biết những khó khăn trong công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Ách: Hạn chế lớn nhất hiện nay trong phòng chống cháy rừng lại xuất phát từ Nông lâm trường Bù Đốp. Mặc dù trực tiếp quản lý rừng, nhưng đơn vị này chưa thật sự quan tâm đến phòng cháy chữa cháy rừng. Cụ thể, diện tích rừng khộp, rừng hỗn giao lồ ô xen gỗ ở thời điểm này rất dễ phát cháy do các loại cây rụng lá. Hay ở rừng bán ngập, mùa mưa nước dâng cao, các loại cây cỏ chết chìm nên mùa khô nước rút, thảm thực vật này trồi lên có thể gây cháy bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đơn vị này lại không có động thái nào để xử lý các nguy cơ tiềm ẩn trên. Không những thế, việc ngăn chặn người vào rừng trái phép, nông lâm trường cũng thực hiện hời hợt, chiếu lệ, trong khi đây là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng.

Ngoài ra, đường tuyến trong bìa rừng dài hơn 100km do Hạt kiểm lâm thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, quản lý bảo vệ rừng; kịp thời di chuyển, xử lý khi có cháy rừng xảy ra, nhưng đến nay nông lâm trường cũng không tham gia phối hợp quản lý bảo vệ diện tích rừng phòng hộ dọc tuyến sông. Mặt khác, nông lâm trường tuy mới được trang bị hai máy thổi gió để chữa cháy rừng và một xe kéo bồn chữa cháy, nhưng so với diện tích trên 7.200 ha rừng tự nhiên đơn vị đang quản lý thì số công cụ, phương tiện này quá ít. Bên cạnh sự hạn chế về kỹ năng, với thực lực này, nông lâm trường không thể chủ động chữa cháy hiệu quả nếu có tình huống cháy rừng xảy ra trên lâm phần.

P.V: Là người nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng, theo ông, phải làm gì để khắc phục những bất cập trên?

Ông Nguyễn Văn Ách: Theo tôi, muốn phòng chống cháy rừng tốt, ngoài việc bảo đảm công cụ, phương tiện phục vụ phòng cháy chữa cháy, phải tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo, kiểm soát, ngăn chặn người ra vào rừng trái phép. Đồng thời kiểm tra giám sát công tác phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ của các đơn vị trên địa bàn, tập trung ở những khu vực có nguy cơ cháy cao... Các đơn vị làm công tác bảo vệ, phát triển rừng phải chú trọng nâng cao ý thức, năng lực và tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên về phòng cháy chữa cháy rừng. Phải huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay bảo vệ rừng.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Lâm Phương (thực hiện)

  • Từ khóa
44571

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu