Thứ 5, 25/04/2024 09:28:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:12, 15/12/2017 GMT+7

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ 6, 15/12/2017 | 09:12:00 191 lượt xem

BP - Báo Bình Phước số 802, ra ngày 13-12-2017 có bài ““Cát tặc” ở Đăng Hà tiếp tục lộng hành”, phản ánh việc khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn 2 xã Thống Nhất, Đăng Hà (Bù Đăng) vẫn diễn biến phức tạp. Hiện 2 bên bờ sông, nơi các tàu hút trộm cát đã bị sạt lở nghiêm trọng, đất vườn của người dân bị kéo xuống sông sâu vào từ 20-30m. Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, khi giải trình về thực trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Song Đoàn cũng đã khẳng định: “Tình trạng sạt lở bờ sông là do khai thác cát. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã ngừng cấp phép nhưng chúng ta đang cho phép 1 doanh nghiệp (Công ty Trường Phát) khai thác. Họ đưa ống hút vào bờ hút lúc 3, 4 giờ, chúng tôi kiểm tra 3, 4 lần nhưng vẫn chưa phát hiện được. Họ cứ làm lén lúc nửa đêm nên rất khó...”.

Chuyện “cát tặc” không phải bây giờ mới “nóng”, mà nóng từ Bắc vào Nam. Ở Bình Phước, tình trạng “cát tặc” trên sông Đồng Nai diễn ra nhiều năm qua. Báo Bình Phước đã nhiều lần phản ánh, nhưng “đâu lại hoàn đó” và chịu thiệt thòi vẫn là người dân sinh sống hai bên bờ sông. Thực tế, có cầu ắt có cung bởi người khai thác cát trộm không mất gì, chỉ hút cát lên bán, còn khách hàng lại mua được cát giá rẻ. Nhưng nguyên nhân chính là do sự mập mờ trong công tác quản lý, kế đến là tinh thần vào cuộc của chính quyền địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Thi, Bí thư Đảng ủy xã Đăng Hà cho biết: Việc xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép không thuộc thẩm quyền của xã và các ngành chưa xây dựng cơ chế phối hợp với xã nên mỗi lần dân phản ánh, xã chỉ có thể cho người đến lập biên bản xác minh hiện trường và gửi về Công an huyện. Đa số hồ sơ gửi lên chưa được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Trưởng công an xã Đăng Hà Lục Đức Lập thì nói: Toàn xã có 4 bãi tập kết cát, nhưng xã chưa nắm bãi nào được cấp phép khai thác, bãi nào chưa...

Việc hút cát lậu diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, bởi tàu hút cát có trang bị máy hút, vòi hút... rất dễ nhận biết và phân biệt với các loại tàu khác. Bởi thế, nói khó ngăn chặn “cát tặc” là không có cơ sở. Chỉ cần thấy tàu hút cát trái phép xuất hiện, người dân báo ngay cho chính quyền và ít phút sau lực lượng chức năng có mặt ngăn chặn thì làm sao bọn trộm cát “có đất” lộng hành. Làm tốt một thời gian, “cát tặc” không có sản phẩm sẽ tự động bỏ nghề.

Thực tế, sau mỗi đợt ra quân truy quét, sự việc không những không được giải quyết triệt để mà bọn “cát tặc” còn hoạt động mạnh với mức độ tinh vi hơn. Ngày nào có đoàn kiểm tra, truy bắt của tỉnh, huyện thì các ghe, tàu hút cát không hoạt động. Thậm chí bãi tập kết cát của các tàu hút cát lậu trên địa bàn, xe tải chạy ra chạy vô mua cát hằng ngày, làm sao chính quyền không biết có hay không có giấy phép!? Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu không có người báo, không có người bảo kê, bao che thì làm sao có chuyện này xảy ra?

Thực tế, phương tiện, biện pháp để đối phó và triệt phá nạn hút lậu cát không thiếu nếu các cơ quan, lực lượng chức năng làm việc công minh và hết trách nhiệm được giao. Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để ngăn chặn “cát tặc” là phải quy trách nhiệm và hình thức xử lý cụ thể nếu để xảy ra sai phạm đối với từng cá nhân liên quan, nhất là với người đứng đầu địa phương.

Như Thảo

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu