Thứ 6, 26/04/2024 13:32:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 19:50, 14/05/2016 GMT+7

Trạng nguyên triều Đường

Thứ 7, 14/05/2016 | 19:50:00 98 lượt xem

BP - Theo sách “Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa” vào năm 784, Khương Công Phụ là người xuất thân bình dân ở đất Yên Định, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa (lúc đó là quận Nhật Nam dưới thời Đường) đã sang kinh đô Trường An để dự thi và đoạt danh hiệu Trạng nguyên, đứng đầu hàng ngàn sĩ tử Trung Quốc. Khương Công Phụ người làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Theo cuốn gia phả của họ Khương ở Thạch Thất (Hà Nội), ông nội Khương Công Phụ là thứ sử Ái Châu (thuộc vùng đất Thanh Hóa ngày nay) Khương Thần Dực. Khương Thần Dực sinh ra Khương Văn Đĩnh làm đến Huyện thừa Tiến sĩ. Khương Văn Đĩnh sinh ra Khương Công Phụ và Khương Công Phục.

Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh nên được cha mẹ cho đi học với một ông thầy người Trung Quốc và ông này vốn là một nho sĩ đỗ đạt nhưng chán cảnh quan trường lánh sang nước ta ẩn dật. Nhờ được học thầy giỏi nên cả 2 anh em lớn lên đều đỗ cao trong kỳ thi Hán học của nhà Đường vào năm 780. Đặc biệt là người đỗ đầu trong kỳ thi này, Khương Công Phụ được vua Đường lúc ấy là Đường Đức Tông đặc cách, cho giữ chức Hiệu Thư Lang. Vì có bài chế sách hơn người, cho làm Hữu thập di Hàn Lâm học sĩ, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân.

Trong dịp khảo hạch ở quận, vua Đường chỉ cho sĩ tử An Nam được sang Trường An thi có 8 người và Công Phụ đã vượt qua hết các kỳ khảo hạch và luôn đứng đầu số sĩ tử dự khảo hạch. Đến kỳ thi ở Trường An, ông đã đỗ Trạng nguyên, sau đó được làm đến Gián nghị đại phu rồi Tể tướng của triều vua Đường Túc Tông.

Đánh giá về Công Phụ, học giả Trung Quốc đời sau vẫn còn nhiều ngưỡng mộ. Học giả La Sĩ Bằng nhận xét: Thời Đường lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm lỗi lạc...

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi Trường An có loạn, vua Đường từ cửa Thượng Uyển đi ra, Công Phụ giữ ngựa lại can rằng: Chu Thử từng làm tướng ở đất Kinh Nguyên, được lòng quân lính, vì Chu Thao làm phản nên bị vua cắt mất binh quyền, ngày thường vẫn uất ức, xin cho bắt đem đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón được. Vua Đường đương lúc vội vàng không kịp nghe. Trên đường đi lại muốn dừng ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật,  Công Phụ can rằng: Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy nhưng là quan văn, quân đột kỵ ở Ngư Dương do ông ta quản lĩnh đều là bộ khúc của Chu Thử. Nếu Thử chạy thẳng đến Kinh Nguyên làm loạn thì ở nơi ấy không phải kế vạn toàn. Vua Đường bèn đi sang Phụng Thiên. Có người báo tin Thử làm phản, xin vua Đường phòng bị. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ xuống chiếu cho quân các đạo đóng cách xa thành một xá, muốn đợi Thử đến đón. Công Phụ nói: Nay cấm binh đã ít người mà quân lính người ngựa đều ở bên ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm. Vua Đường khen là phải, cho gọi hết vào trong thành. Quân của Thử kéo đến đúng như lời của Công Phụ. Vua Đường bèn thăng cho Phụ làm Gián Nghị đại phu, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự...

Sau này, vì việc can gián vua Đường chôn cất công chúa Đường An quá hậu, trái ý vua, ông bị giáng chức làm Thái tử tả thứ tử, bị phái đi Tuyền Châu biệt giá. Sau khi  Đường Thuận Tông lên ngôi, cho ông làm Thứ sử Cát Châu. Như vậy, từ một ông quan đầu triều, về cuối đời ông chỉ còn là viên quan ở một châu. Tuy nhiên, chưa đi đến được nơi nhậm chức thì ông mất.

Lời bàn:

Lịch sử quan hệ bang giao Việt Nam - Trung Quốc thời phong kiến có nhiều sứ giả Việt Nam vì giỏi ứng đối nên được hoàng đế Trung Hoa phong cho danh hiệu Trạng nguyên. Tuy nhiên đó chỉ là một dạng danh hiệu danh dự. Nhưng từ thế kỷ 8, khi nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, người Việt đã tỏ ra trí tuệ không kém gì dân Trung Quốc. Bằng chứng là dưới thời vua Đường Đức Tông, Khương Công Phụ đã thi đậu Trạng nguyên. Với vốn học rộng, kiến thức uyên thâm của ông đã làm cho vua Đường phải khâm phục và giao cho ông nhiều chức vụ: Gián nghị đại phu, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Tể tướng. Là người đứng trên muôn người và dưới chỉ một người, nhưng Khương Công Phụ chẳng phải là người ham chức quyền bổng lộc hay xem đó là cứu cánh cuộc đời mà là người muốn hành đạo, giúp đời.

Với trí thông minh, tài năng, đức độ của mình, dẫu lúc thăng quan hay bị giáng chức ông vẫn một lòng chính trực làm tròn phận sự. Bởi thế, dẫu biết rằng vua Đường không hài lòng, nhưng ông vẫn đứng ra can ngăn đến ba lần. Và đến khi nhà vua giật mình thấy rằng, kẻ một lòng trung thành đi theo nhà vua là ông, mà lời khuyên của ông, ít ra cũng có hai lần đúng, cho nên lần thứ ba vua Đường đã vui vẻ nghe theo. Và từ thượng cổ tới nay vẫn thế, có khi được khen mà lòng người ta thêm tê tái buồn, nhưng cũng có lúc bị chê mà lòng người ta lại thấy sung sướng, bởi vì điều quan trọng không phải là khen chê, mà là ai khen, ai chê và lời khen chê ấy như thế nào. Chính vì không nghe theo những lời can gián của trung thần như Khương Công Phụ mà nhà Đường từ đời Đường Đức Tông trở đi bắt đầu thời kỳ suy tàn.

N.D

  • Từ khóa
109791

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu