Thứ 3, 16/04/2024 17:07:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:53, 13/09/2019 GMT+7

Trao “cần câu”, không trao “con cá”

Thứ 6, 13/09/2019 | 08:53:00 380 lượt xem

BP - Tại buổi thảo luận về thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2012-2018”, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 10-9, đa số đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục. Đó là, tỷ lệ hộ DTTS tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo còn cao; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo DTTS thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước. Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu. Nhiều chỉ tiêu trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội...

Bình Phước là tỉnh trung du, miền núi, với khoảng 20% số dân là người DTTS nên những năm qua, các chính sách chăm lo đời sống đồng bào luôn được các cấp và ngành chức năng quan tâm. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 8.614 hộ nghèo, trong đó 4.545 hộ nghèo DTTS, chiếm 52,76%. Tuy nhiên, Bình Phước cũng không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước, bởi giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,1% còn 3,55% nhưng tỷ lệ hộ nghèo DTTS trong tổng hộ nghèo ngày càng tăng, từ 44,37% đầu năm 2016 lên 52,76% vào cuối năm 2018. Số hộ nghèo, cận nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm hơn 90%...

Bên cạnh những yếu tố bất lợi, như điều kiện tự nhiên không thuận lợi, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp... thì còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến số hộ nghèo DTTS gia tăng. Cụ thể như: Chương trình có nhiều cơ quan, bộ, ngành phụ trách, nguồn lực được phân bổ theo các tiểu dự án phân tán, dàn trải nên chính sách thường chậm so với đời sống; công tác giáo dục, đào tạo nghề còn thấp so với vùng khác; chất lượng cuộc sống và hưởng thụ của đồng bào hạn chế nên hệ số phát triển con người không cao; thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu việc làm ổn định nên mức thu nhập còn chênh lệch lớn... Riêng ở Bình Phước, ngoài những nguyên nhân nêu trên thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí họ sẵn sàng bán điều non, cầm cố đất ở, đất sản xuất, vay tiền lãi suất cao để tiêu xài, kéo theo những hệ lụy khó lường.

Để chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS thật sự bền vững và “không ai bị bỏ lại phía sau”, rất mong cấp có thẩm quyền và các bộ, ngành chức năng có cơ chế và chính sách tích hợp từ bộ máy đến nguồn lực để việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, gây lãng phí nguồn lực. Các cấp, ngành, hội, đoàn thể tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, nhất là phải xử lý nghiêm hành vi lợi dụng chính sách dân tộc để trục lợi. Đặc biệt, phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào xóa bỏ hủ tục, thay đổi tư duy sản xuất để vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu. Trong đó, yếu tố tiên quyết là phải giúp đồng bào DTTS nghèo hiểu, Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, nguồn lực, hướng dẫn cách làm, nghĩa là chỉ trao “cần câu” chứ không trao “con cá” để đồng bào nâng cao ý thức tự chủ, tích cực phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu