Thứ 5, 28/03/2024 15:53:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:10, 05/12/2017 GMT+7

Trao nhầm lòng tin

Thứ 3, 05/12/2017 | 08:10:00 473 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, sau khi nhận được cáo trạng của vua Lê Trang Tông, vua Minh đã giao xuống đình nghị, định cất quân sang hỏi tội Mạc Đăng Dung. Hay tin này, Mạc Đăng Dung liền viết thư cho vua nhà Minh. Triều Minh cho Mạc Đăng Dung là dối trá nhưng đạo quân của tướng Minh là Cừu Loan, tuy kéo đến sát biên giới song vẫn do dự không tiến.

Mùa xuân năm Kỷ Hợi 1539, vua Lê Trang Tông phong Đại tướng quân Dực Nghĩa hầu Trịnh Kiểm, tước Dực quận công. Trịnh Kiểm vốn theo Thái sư Nguyễn Kim đi đánh dẹp, lập nhiều chiến công. Nguyễn Kim thấy có tài, bèn gả con gái cho. Lại phong tước cho các tướng khác, sai họ đem quân chia đường tiến binh, thanh thế lẫy lừng. Đánh vào vùng Lôi Dương, đánh bại quân nhà Mạc.

Minh họa: S.H

Năm 1542, Vua Lê Trang Tông lấy Thụy quận công Hà Thọ Tường làm Ngự doanh đề thống ngự giá để mưu việc tiến đánh, sai Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim thống đốc tướng sĩ các dinh đi trước, tiến đánh các nơi ở Thanh Hoa, Nghệ An. Tướng lĩnh cũ và hào kiệt hai trấn này phần nhiều theo về, thế quân càng thêm mạnh. Năm 1543, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh đều đã chết, Mạc Phúc Hải lên ngôi vua. Vua Lê Trang Tông thân chinh đánh Mạc Phúc Hải, lấy được Tây Đô, phá tan đội quân của Ngụy Hoằng Vương Mạc Chính Trung, Tổng trấn Thanh Hoa là Đại tướng quân Trung Hậu hầu dẫn quân đầu hàng. Bấy giờ, Thái sư Hưng Quốc công Nguyễn Kim còn ở Ai Lao chưa theo đi. Vua Lê Trang Tông sai Tuyên quận công Trịnh Công Năng mang chiếu thư về gọi. Nguyễn Kim bèn chỉnh đốn bộ ngũ lên đường và hẹn ngày bái yết vua ở Nghĩa Lộ.

Lê Trang Tông gia thăng Kim làm Thái tể, sai làm Đô tướng, tiết chế tướng sĩ các dinh, chia đường cùng tiến, bình định vùng Tây Nam. Khi ấy, Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất vốn là hàng tướng nhà Mạc, xuất thân hoạn quan, làm quan đến chức chưởng bộ đã nghe tin vua Lê Trang Tông nổi quân, y liền dùng kế trá hàng, muốn hại vua Lê Trang Tông. Việc không thành, Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất mời Thái tể Nguyễn Kim đến dinh, rồi sai người ngầm bỏ thuốc độc trong trái dưa dâng lên trước mâm cỗ. Nguyễn Kim tin thật, ăn dưa, bị trúng độc, đến khi về thấy trong người khó chịu rồi mất. Hôm đó là ngày 20 tháng 5 năm Ất Tỵ - 1545, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 14. Ngay sau đó, Trung Hậu hầu liền bỏ trốn và tìm về với Mạc Phúc Hải. Hay tin Nguyễn Kim chết, vua Lê Trang Tông vô cùng thương tiếc, truy tặng là Chiêu huân tinh công, đặt tên thụy là Trung Hiến, sai quan đem về quê ở Tống Sơn mai táng.

Nguyễn Kim có 2 con trai. Con trai trưởng Nguyễn Uông được vua Lê Trang Tông phong làm Lãng quận công khi Nguyễn Kim bị hạ độc chết (Nguyễn Uông về sau đã bị Trịnh Kiểm giết). Con trai thứ là Nguyễn Hoàng được vua Lê Trang Tông phong làm Hạ Khê hầu, sai đem quân đi đánh giặc. Về sau Nguyễn Hoàng trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở đàng trong.

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhận định trong sách “Đại Việt thông sử” về sự kiện này như sau: Nguyễn Kim lấy thân phận là tướng già của con nhà thế thần, giữ vững tiết tháo, lận đận nơi hang núi, cố chí lo toan việc khôi phục, rước lập thế tử, nối lại tông thống, đánh kẻ loạn tặc, phá đám chông gai, mở mang canh thổ Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng hàng hơn ngàn dặm cơ nghiệp ngàn vạn năm của nước nhà, thực bắt đầu từ đây. Như thế chẳng phải là người bầy tôi của xã tắc đó ư?

Thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tôn thụy hiệu là “Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương”. Đến đời chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát thì cải thụy thành “Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương” và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu ý Đức phi. Đời vua Gia Long năm thứ 5 lại truy tôn là “Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh hoàng đế”, miếu hiệu là Triệu Tổ, lăng gọi là Trường Nguyên và truy tôn phi là “Từ Tín Chiêu ý Hoằng Nhân Thục Đức Tĩnh hoàng hậu”.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại đã nêu thì cả vua Lê và Thái tể Nguyễn Kim đã vội trao niềm tin nhầm chỗ nên đã không mảy may nghi ngờ âm mưu của Dương Chấp Nhất, lại còn tỏ rõ vui mừng khi thu phục được một tướng tài của nhà Mạc. Bởi vậy, khi Dương Chấp Nhất mở tiệc thết đãi, Nguyễn Kim đã vui vẻ đến dự mà không biết đó là một cái bẫy chết người. Và cái giá mà Nguyễn Kim phải trả là chính mạng sống của mình. Tiếc rằng, một dũng tướng đã bao phen cầm gươm lên ngựa, lặn lội rừng sâu, chịu lam sơn chướng khí để khôi phục nhà Lê, nhưng phải trả cái giá quá đắt cho phút mất cảnh giác và trao nhầm niềm tin cho kẻ phản đồ.

Cái chết của Thái tể Nguyễn Kim không chỉ cho người đương thời, mà cả với hậu thế hôm nay nhiều điều phải suy ngẫm. Trước hết, với cả vua Lê và Nguyễn Kim đều đáng trách. Bởi, Dương Chấp Nhất, một kẻ đã phản chủ là nhà Mạc (dù chỉ là giả hàng), nhưng sao vẫn được trọng dụng?. Từ ngàn năm trước, người đời đã đúc kết rằng, một kẻ đã làm phản thì chẳng bao giờ chúng chỉ làm một lần. Thế mới hay rằng, cái giá của sự mất cảnh giác và lòng tin trao nhầm chỗ là vậy.

ND

  • Từ khóa
109991

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu