Thứ 3, 23/04/2024 14:03:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:13, 05/11/2017 GMT+7

Trao sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo

Chủ nhật, 05/11/2017 | 09:13:00 148 lượt xem

BP - Chị Trịnh Thị Hồng Thiết, 41 tuổi, hội viên phụ nữ tổ 6, là hộ nghèo duy nhất của ấp Bà Lành, xã Tân Lợi (Hớn Quản). Không đất, không nhà ở, đơn thân nuôi 2 con ăn học từ việc làm thuê, nay chị được người thân cho vay tiền mua 1 căn nhà nhỏ. Bằng cách làm “10 trong 1”, 10 hội viên của tổ 6 đã góp vốn mỗi người 1 triệu đồng không lấy lãi giúp chị Thiết mua 2 con dê mẹ, 4 dê con giá rẻ của 1 hội viên. Sau 1 năm nuôi dê con, chị Thiết dự định sẽ bán lấy tiền trả các chị trong tổ hội. Số dê mẹ coi như lãi của chị sau 1 năm chăm sóc, hiện 1 dê mẹ mang thai hơn 5 tháng. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Lợi Cao Thị Trinh cho biết: “Cụ thể hóa chương trình giúp nhau phát triển kinh tế của hội, các chi, tổ hội đã có những cách làm sáng tạo, trao sinh kế giúp chị em nghèo vươn lên, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”.

Chị Thiết vui mừng, mong chờ dê con ra đời

Dịp sinh hoạt hội hằng tháng được chị em tổ 4, ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) rất mong đợi. Phong trào tương trợ giúp đỡ nhau được tổ 4 thực hiện ngay từ khi mới thành lập. 20 ngàn đồng (năm 1993) nay 50 ngàn đồng/tháng/người là con số không lớn nhưng lại rất ý nghĩa với 23 hội viên phụ nữ tổ 4 bởi góp ít nhưng nhận nhiều. Đời sống còn khó khăn nên chị em càng trân trọng, sử dụng hiệu quả tiền góp vốn. Đến nay, quỹ do tổ hội 4 quản lý lên đến trên 100 triệu đồng. Qua đó giúp nhiều chị em khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Để những “cần câu” phát huy hiệu quả khi trao cho hội viên, tổ hội đã đi sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, hoàn cảnh của từng chị em để có hình thức hỗ trợ phù hợp. “Những chị sức khỏe yếu không thể nuôi bò, mình trao vốn hội viên tự lựa chọn nuôi gà, vịt hoặc heo, trong đó ưu tiên những hộ khó khăn” - chị Lê Thị Hợi, Tổ trưởng tổ 4 nói.

Sử dụng đồng vốn hiệu quả điển hình là hộ chị Sơn Thị Thu Vân thuộc diện khó khăn của tổ được vay qua các đợt 30 triệu đồng dùng chăn nuôi heo, gà, vịt. Gần đây hội đã hỗ trợ 2 hội viên, mỗi chị 15 triệu đồng để nuôi bò. Chị Lê Hồng Linh phấn khởi nói: “Gia đình tôi thiếu đất sản xuất, thu nhập trông vào chăn nuôi. Giờ bò đang mang thai, tôi phải chăm sóc thật tốt. Hằng tháng, chỉ cần góp 500 ngàn đồng nhưng 1 năm sau được 2 con bò, rất có lợi”. Điểm mới trong hỗ trợ chị em phát triển kinh tế là chị em tổ 4 không phải trả lại con giống sau khi sinh sản mà trả góp hằng tháng cho đến lúc xóa hết nợ. Theo đó hộ ít nhất được vay 2 triệu đồng, số tiền trả góp hằng tháng khoảng 100-200 ngàn đồng, lãi suất 1%/tháng. Tiền lãi được hội dùng để hoạt động, thăm hỏi chị em. Thế nên nhiều năm qua, các hội viên trong tổ không phải đóng bất kỳ khoản nào ngoài vốn tương trợ 50 ngàn đồng/tháng.

9 tháng năm nay, thông qua các hình thức hỗ trợ cây - con giống, vốn, các cơ sở hội trên địa bàn huyện đã giúp 2.741 lượt chị có thêm điều kiện phát triển kinh tế với tổng trên 15 tỷ đồng. Năm 2016, các cấp hội đã giúp 269 hộ hội viên thoát nghèo. Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đặng Thị Kim Tuyến cho biết: “Các cơ sở hội đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế đa dạng đạt hiệu quả cao, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết. Ngoài Tân Lợi, Tân Hiệp, còn có Tân Khai với mô hình trao bò giống với 5 con được trao từ năm 2015 đến nay, giúp 1 hội viên thoát nghèo. Thanh An trao 650 con ngan cho 6 hộ hội viên nghèo. Minh Tâm hỗ trợ bò, dê giúp chị em phát triển kinh tế”.

Thanh Mai

  • Từ khóa
42197

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu