Thứ 6, 29/03/2024 02:41:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:18, 04/04/2019 GMT+7

Trashpacker và những chuyến đi

Thứ 5, 04/04/2019 | 15:18:00 873 lượt xem
BP - Hình ảnh một người bạn ở Hà Lan (thành viên của Trashpacker thế giới) đi khắp nơi nhặt rác, trong đó có Việt Nam, đã nhen nhóm trong các bạn trẻ Việt câu hỏi: Người nước ngoài đến Việt Nam nhặt rác, tại sao chúng ta lại không? Chính vì vậy, cùng với Trashpacker thế giới, Trashpacker Việt Nam đã được khởi xướng và ngày càng nhân rộng ở khắp các tỉnh, thành.

Trashpacker có nghĩa là người nhặt rác. Cùng với những nơi khác trong cả nước, tháng 3-2019, Trashpacker Việt Nam đã có nhiều hoạt động tại Bình Phước nhằm lan tỏa thông điệp mỗi người hãy ý thức về việc vứt, xả rác để xây dựng Bình Phước thành một vùng quê xanh, sạch, đẹp.

NHỮNG DẤU CHÂN CÓ MỒ HÔI VÀ MÁU

Chị Giang Thị Kim Cúc (31 tuổi) là thành viên của Trashpacker Việt Nam. Còn chị Giang Thị Kim Yến (36 tuổi), chị gái của Kim Cúc - là một trong những người sáng lập Trashpacker Việt Nam. Cả 2 chị Cúc và Yến đều là người con của quê hương Lộc Ninh. Mặc dù có công việc kinh doanh ổn định tại TP. Hồ Chí Minh, thế nhưng 2 chị em Yến và Cúc có niềm đam mê: đi khắp nơi để nhặt rác. Là những tình nguyện viên nhặt rác, họ rơi nước mắt khi nhìn những con suối đang gồng mình gánh rác, đàn cá không tìm thấy không gian để thở, bơi lội; hàng chục bờ biển ngập tràn rác thải... bởi sự vô tư xả rác của một bộ phận người dân. Từ ý thức và trách nhiệm của mình, những “người nhặt rác” có mặt ở khắp quê hương Việt Nam, những nơi họ đi qua đã để lại hình ảnh đẹp như: bãi biển Phú Quốc, đảo Lý Sơn, biển Nha Trang và các tỉnh phía Bắc...

Các thành viên Trashpacker dọn rác thải dưới lòng suối chợ Lộc Ninh và chung tay vẽ tranh kêu gọi người dân không xả rác bừa bãi, vì môi trường sống xanh, sạch, đẹp

Trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua, các thành viên của Trashpacker đã về Bình Phước và thực hiện công việc của mình. Đặc biệt, từ ngày 10-3 đến 18-3, nhóm dọn sạch và tái tạo dòng suối đi qua chợ Lộc Ninh. Đây là con suối bị ô nhiễm nặng trong nhiều năm qua, bởi 2 bên suối là trung tâm mua bán chợ Lộc Ninh. Sau 1 tuần thực hiện, đến ngày 18-3, hơn 2km lòng suối được dọn sạch rác, khơi thông cống rãnh và những bãi đất bồi. Không chỉ dọn rác, một bức tranh vẽ thiên nhiên với những slogan như: Xả rác tan nát cõi lòng; yêu thương suối của con... kêu gọi mọi người không xả rác bừa bãi đã hình thành ở bức tường 2 bên lòng suối.

Chị Kim Cúc cho biết: “Chiều 10-3, nhóm huy động được khoảng 30 người, phần lớn là người dân, học sinh và các bạn đồng hành của nhóm. Hăng hái lội xuống suối, thế nhưng nhìn dòng suối bị ô nhiễm bởi rác thải, xác gia súc, gia cầm nổi lềnh bềnh, thậm chí kim tiêm, mảnh chai... một số bạn không chịu được nên đã bỏ cuộc. Đến ngày 11-3 chỉ còn 4 người “tâm huyết” để tiếp tục lội xuống lòng suối. Ngay lúc đó, mình livestream trên Facebook trước hết cảm ơn cộng đồng mạng, sau cũng nhờ mạng xã hội tạo hiệu ứng để nhiều người biết và cùng tham gia. Ngay lập tức nhóm nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, thậm chí khi nghe mục đích của nhóm, có người đã tặng sơn để nhóm có điều kiện vẽ những bức tranh ở 2 bên dòng suối. Mình cảm giác như có điều gì đó không đơn thuần là nhặt rác, mà mọi người đã hiểu công việc của nhóm và không còn nhìn tụi mình với những câu nói “chạm” tự ái như: rảnh, khùng... Thương nhất các cô, các chú đã lớn tuổi, cũng cầm cuốc, xẻng lội xuống suối để phụ tụi mình.

Bà Lê Thị Kim Hoa, tiểu thương ở chợ Lộc Ninh cho biết: Nhìn dòng suối sạch sẽ, từng đàn cá bơi lội trở lại, tôi cảm ơn nhóm của cô Cúc rất nhiều. Sống ở Lộc Ninh đã lâu, nay tôi mới được nhìn lại dòng suối trong ký ức của mấy mươi năm về trước. Cũng xuống phụ nhặt rác, giờ tôi hiểu và sẽ không vứt rác xuống suối nữa. Hy vọng mỗi người hãy có ý thức hơn, đừng vứt rác bừa bãi để lòng suối mãi sạch đẹp như những ngày vừa qua.

MUỐN TRỞ THÀNH ĐẠI SỨ NHẶT RÁC Ở BÌNH PHƯỚC

1 tuần để làm sạch dòng suối tại chợ Lộc Ninh, nhặt rác và làm lưới chắn rác tại Cầu Ngập, “người nhặt rác” Giang Thị Kim Cúc gửi lời cảm ơn đến mạng xã hội, cảm ơn những người “lạ rồi quen” và hơn hết là cảm ơn những bạn Trashpacker nhí đến từ các trường tiểu học, THCS ở huyện Lộc Ninh. Nếu như người lớn họ hiểu và chủ động tham gia với nhóm dễ bao nhiêu, thì để học sinh hiểu và cùng tham gia lại là vấn đề khó. Với mục đích để các em có ý thức về việc vứt rác đúng chỗ ngay từ nhỏ, những ngày trước khi bắt đầu, chị Cúc đến từng trường học, đăng ký gặp ban giám hiệu trường để trao đổi tâm tư, nguyện vọng của mình. Những chia sẻ của chị nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ trường học và học sinh. Vì lòng suối tiềm ẩn nhiều rủi ro, mỗi học sinh trước khi tham gia đều được các thành viên yêu cầu phải xin phép ba mẹ và được hướng dẫn trang bị nhiều đồ dùng để đảm bảo an toàn cho bản thân. “Vì đây không phải là cuộc dạo chơi, để chơi nổi, đây là góp sức để cùng thay đổi thói quen của người khác. Nếu làm mà bản thân không an toàn, người ta lại chê trách mình. Chính vì vậy, tôi luôn nhắn nhủ mọi người khi tham gia nhóm phải đảm bảo an toàn cho bản thân, đặc biệt là các Trashpacker nhí” - chị Kim Cúc chia sẻ.

Chị Kim Cúc cho biết: “Hiện tôi kinh doanh bất động sản và làm set up cho các quán cà phê. Tuy nhiên, bản thân vốn là tình nguyện viên nhặt rác từ nhỏ nên tôi không ngần ngại với công việc đi khắp nơi “nhặt rác”. Rất may là đi đến đâu, nhóm cũng được mọi người giúp đỡ và cùng tham gia rất nhiệt tình. Điều đó làm bản thân thấy công việc của mình rất bổ ích và được mọi người đón nhận. Nếu được, tôi muốn trở thành đại sứ nhặt rác ở quê hương Bình Phước. Qua đó, góp phần nhỏ bé đưa Bình Phước trở thành một điểm đến lý tưởng về du lịch sinh thái, về môi trường xanh, sạch và đẹp trong tương lai. Để làm được điều này, ngoài sắp xếp thời gian, công việc hợp lý, tôi mong nhận được sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng thanh niên. Mỗi người một thay đổi nhỏ, chúng ta sẽ làm được, không có gì khó”.

Đằng sau những bức hình khoe thành quả của Trashpacker Việt Nam là cả một quá trình vất vả, trong đó ngoài ý chí, niềm tin, đó còn là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu. Nhìn bàn tay, bàn chân chi chít vết rách, thậm chí có ngón còn đang phải băng vết thương, nhưng chị Kim Cúc cảm thấy tự hào vì việc làm được lan tỏa, được mọi người hưởng ứng. Nhóm của chị Kim Cúc đã lên danh sách các điểm cần làm sạch ở các huyện, thị khác trong tỉnh. Việc của nhóm bây giờ là lên đường, lan tỏa công việc của mình để mọi người chung tay bảo vệ và xây dựng môi trường sống thật đẹp.

Thanh Nga

  • Từ khóa
93923

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu