Thứ 6, 26/04/2024 05:48:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:32, 05/09/2018 GMT+7

Trẻ em rất cần được quan tâm, sẻ chia

Thứ 4, 05/09/2018 | 07:32:00 125 lượt xem

BP - Nghỉ lễ Quốc khánh (2-9), cậu em trai ở xã Đức Liễu (Bù Đăng) đưa gia đình về Đồng Xoài chơi. Trong lúc hàn huyên, cậu em kể cho tôi nghe câu chuyện hy hữu: Sáng chủ nhật tuần trước, chuẩn bị bước vào cửa hàng bán đồ ăn ở trung tâm xã thì một cậu bé dáng nhỏ thó, người ướt đẫm mồ hôi, vừa dắt xe đạp vừa hỏi: Chú ơi, đường về Đồng Xoài đi hướng nào? Ngạc nhiên trước câu hỏi của bé, cậu em hỏi lại thì được biết, cậu bé nhà ở phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài, hiện học lớp 4 một trường tiểu học ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài. Cha hằng ngày đi làm thợ hồ, mẹ mua bán ve chai nên mọi người chỉ gặp nhau vào buổi tối. Cậu bé được giao xe đạp để tự đi học vì cha mẹ không có thời gian đưa đón. Do vậy, ngoài thời gian học, cậu bé tự kiếm chỗ chơi, hết loanh quanh hàng xóm, rồi lại lấy xe đạp “thám hiểm” các tuyến đường trong khu dân cư mà không có ai quản lý.

Ngày nghỉ, ở nhà một mình, cậu lấy xe đạp một vòng ra ngã tư Đồng Xoài rồi quay về. Thay vì đi theo hướng thị xã Phước Long để về nhà, cậu lại thẳng tiến lên Bù Đăng. Càng đạp, càng hoảng và không biết hướng nào để về nhà. Em tôi làm trong ngành giáo dục, nghe chuyện cậu bé liền liên hệ với trường, nhờ báo tin để gia đình lên Bù Đăng đón cháu về. Hỏi cậu bé đi như thế không sợ làm cha mẹ lo lắng thì cậu im lặng. Ở đây, xin không bàn đến những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra nếu cậu bé gặp phải một đối tượng bất lương, chỉ xin bàn về vấn đề tình cảm giữa cha mẹ với con cái.

Gia đình là cái nôi đầu tiên, là nền tảng hình thành nhân cách của một con người. Sự việc nêu trên cho thấy, cha mẹ cậu bé chỉ chú trọng kiếm tiền mà không quan tâm đến con. Điều đó sẽ khiến chúng trở thành những đứa trẻ vô cảm, không biết yêu thương, sẻ chia và mất đi những giá trị tâm hồn tốt đẹp. Các em không cảm nhận được thế nào là sự chia sẻ, đồng cảm, không biết giá trị của yêu, ghét, giận hờn, thay vào đó là thái độ thờ ơ.

Ngày trước, khi cha mẹ đi làm, trẻ em tụ tập chơi các trò nhảy dây, đá bóng, đá cầu... Trẻ em nông thôn thì có các trò chơi dân gian như đánh chuyền, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê... Nhiều gia đình chỉ có cha đi làm kiếm tiền, mẹ ở nhà chăm sóc các con. Ngày nay, xã hội phát triển theo xu hướng bình đẳng giới, phụ nữ cũng xông xáo lao động để phụ giúp tài chính cho gia đình. Trong khi đó, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, trẻ có thể ngồi ngày này qua ngày khác trong các tiệm internet hoặc ngồi nhà chơi các trò trên mạng mà không được kiểm duyệt. Nhiều em vì ảnh hưởng các trò chơi trên mạng mà sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Vẫn biết chi phí cuộc sống ngày càng lớn, nếu chỉ một người trong gia đình đi làm sẽ khó bảo đảm chi tiêu hằng ngày. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần chủ động dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con cũng như chia sẻ, giải thích giúp con hiểu, cảm thông với cha mẹ. Từ đó, giúp các em nâng cao ý thức học tập, chơi những trò chơi thiết thực trong thời gian rảnh hoặc khi không có cha mẹ ở nhà. Hoặc có thể cho các em tham gia lớp kỹ năng sống, các hoạt động vui chơi giải trí, học tập và trải nghiệm thực tế như học vẽ, đàn hát, tham quan thiên nhiên, kể chuyện... giúp con có định hướng đúng trong cuộc sống. 

Như Thảo

  • Từ khóa
108947

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu