Thứ 6, 29/03/2024 13:35:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:24, 24/01/2015 GMT+7

Trẻ em xóm Việt kiều Campuchia “khát” chữ

Thứ 7, 24/01/2015 | 06:24:00 254 lượt xem

BP - Từ năm 2010 đến nay, số hộ Việt kiều Campuchia di dân về sinh sống trên địa bàn xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) liên tục tăng. Trên địa bàn xã hiện có 44 hộ với 202 người đang sống tạm cư dọc lòng hồ thủy điện Thác Mơ hoặc sống tạm bợ trên xuồng, ghe dọc theo lòng hồ, số khác ở trọ tại các xưởng điều lân cận. Các hộ này đều đông con, không có việc làm ổn định, đời sống khó khăn, chưa có giấy tờ tùy thân nên việc đi học của trẻ em ở đây là điều không thể.

Trẻ em xóm Việt kiều không được đến trường nên hàng ngày chỉ chơi quanh quẩn trong xóm

LÊNH ĐÊNH XÓM VIỆT KIỀU

Tại xóm Việt kiều Campuchia ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh, trong số 44 hộ di cư về đây sinh sống chỉ 50% số hộ có một số giấy tờ như giấy chứng nhận Việt kiều, thẻ hội viên do Hội người Việt tại Campuchia cấp. Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều thủ tục liên quan nên đến nay, các hộ này vẫn chưa được cấp giấy tờ tùy thân, kể cả giấy khai sinh cho trẻ, khiến việc đến trường của con em họ gặp không ít khó khăn.

Trẻ em không được đến trường nên ở nhà giúp mẹ cạo vỏ lụa hạt điều

Các hộ Việt kiều Campuchia trước đây sinh sống quanh khu vực Biển Hồ của Campuchia. Họ sống lênh đênh trên xuồng, bè với nghề chài lưới, đánh bắt cá và làm thuê. Chị Nguyễn Thị Tiền kể: “Tôi theo cha mẹ qua Campuchia từ khi còn nhỏ. Lấy chồng, tôi ra ở riêng và mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Cuộc sống bên đó ngày càng khó khăn nên gia đình tôi dắt díu nhau về đây. Các hộ trong khu vực này đều là anh em họ hàng, xóm giềng ở bên Campuchia. Ở bên đó, mình là dân vô gia cư, không giấy tờ tùy thân, không biết tiếng địa phương, sống biệt lập nên đời sống vô cùng khó khăn”.

Theo thống kê của UBND huyện Bù Gia Mập, trên địa bàn huyện hiện có 111 hộ với 493 người là Việt kiều Campuchia. Tất cả số nhân khẩu này đã xin đăng ký hộ khẩu tại địa phương nhưng ngành tư pháp chưa xác định được Quốc tịch.

Với nguyện vọng định cư lâu dài tại xã Đức Hạnh nên gia đình chị Tiền dành dụm mua được mảnh đất, cất tạm căn nhà gỗ để 8 người có chỗ che nắng che mưa. Mua đất cả năm nay nhưng bằng chứng ràng buộc giữa gia đình chị Tiền và chủ đất cũng chỉ là tờ giấy viết tay vì chưa có giấy tờ hợp pháp để làm sổ.

Sống ở môi trường sông nước quá lâu nên khi lên bờ, nhiều người không quen đi dép, có người loay hoay mãi mới mang được đôi dép vào chân. Ông Trần Văn Tiến nói vui: “Giờ chúng tôi biết đi dép rồi; chỉ còn xe đạp, xe máy phải tập thôi. Trước kia, cả gia đình 8 người cùng ở chung trên một chiếc ghe chật chội. Ban ngày cha mẹ đi giăng lưới, bắt cá, mấy đứa nhỏ chỉ ngồi một chỗ trên ghe, không dám đi lại vì sợ sẩy chân đuối nước. Giờ được chạy nhảy trên đất, tụi trẻ rất thích”. Được lên bờ nhưng ông Tiến luôn canh cánh nỗi lo nghèo khó. Không giấy tờ tùy thân nên 6 người con và 2 đứa cháu ngoại đều không được đi học.

KHAO KHÁT ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Do không giấy tờ hợp pháp nên các chính sách định canh, định cư hay hộ nghèo đều không thể thực hiện với 44 hộ này. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, xã cũng phối hợp huyện Bù Gia Mập cấp 5 tấn gạo hỗ trợ 44 hộ Việt kiều ăn tết. Tháng 8-2014, UBND xã đã làm tờ trình lên UBND huyện Bù Gia Mập xem xét có hướng chỉ đạo Phòng giáo dục tạo điều kiện để 29 cháu trong độ tuổi đến trường được đi học, nhưng do chưa hoàn thành thủ tục nên trước mắt các cháu vẫn chưa thể nhập học.

Ông Lê Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đức Hạnh

Trẻ em ở đây có đứa sinh ra ở Campuchia, cũng có đứa chôn nhau cắt rốn tại xóm Việt kiều, nhưng tất cả đều không biết chữ. Thấy cuốn sổ ghi chép của chúng tôi, mấy đứa trẻ giành nhau, đứa cầm ngược, đứa cầm xuôi, môi mấp máy, không hiểu các em đọc gì nhưng chúng tôi thấy ở các em niềm khao khát được học chữ. Mới đây, chị Tiền dắt con là Nguyễn Thanh Tùng (12 tuổi) tới Trường tiểu học Đức Hạnh xin học lớp 1 nhưng trường không thể nhận. “Nó cứ đứng khóc nức nở, không chịu về. Cứ thấy học sinh đi học qua là nó lại chui vào một góc ngồi khóc. Ba mua cho cuốn vở tập tô, mỗi tối nó mang tập qua nhà bạn xin học chữ. Sáng dạ nên nó học thuộc bảng chữ cái rất nhanh. Mặc dù tô hết cuốn tập nhưng ngày nào nó cũng đem ra tô đi tô lại cho thuộc rồi lại nằng nặc đòi đi học” - chị Tiền chua xót kể.

Các hộ Việt kiều Campuchia ở đây chỉ có một loại giấy chứng nhận hội viên của Hội người Việt Nam tại Campuchia. Thôn Bình Đức 1 hiện còn 29 trẻ từ 6 đến 11 tuổi chưa biết chữ và không được đến trường. Cái mà người dân xóm Việt kiều cần nhất hiện nay là có giấy tờ để có thể tự do đi lại, kiếm việc làm ở nhà máy, xí nghiệp; con cái được đến trường. Lật cuốn sổ tạm trú, chị Phan Thị Nở không biết tên mình nằm ở trang nào. Chị cũng không nhớ mình sinh năm nào, 4 đứa con thì đứa nhớ đứa không. Chị Nở ngậm ngùi: “Đời tôi không biết chữ, con cháu cũng không biết chữ. Nhiều người còn không nhớ quê quán mình ở đâu nữa. Sống ở đâu thì coi đó là quê!”.

Dù đã qua tuổi đến trường nhưng nhiều đứa trẻ ở xóm Việt kiều vẫn mong muốn được cầm cuốn vở tập tô, được viết chữ. Hỏi 10 em thì cả 10 đều thích đi học. Trường học chỉ cách xóm  vài cây số, nhưng với các em đó lại là con đường quá xa vời. Không có giấy tờ hợp pháp thì con cái họ sẽ mãi quẩn quanh với thất học, nghèo đói.           

Hà Bích

  • Từ khóa
92548

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu