Thứ 6, 29/03/2024 15:34:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:44, 01/02/2017 GMT+7

Trên những con đường nông thôn mới

Thứ 4, 01/02/2017 | 13:44:00 235 lượt xem
BP - Đề án 03 của huyện Lộc Ninh là minh chứng sáng tạo thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh về làm đường giao thông nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) theo cơ chế đặc thù: Cuối năm 2014 đến nay, Lộc Ninh đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 100km đường bê tông. Dự kiến đến năm 2020, Lộc Ninh hoàn thành tiêu chí khó nhất của NTM là giao thông.

NHƯ TRONG MƠ

Những ngày cuối năm, trên các nẻo đường quê vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Lộc Ninh chúng tôi thấy nhà nhà sửa sang cổng ngõ, chăm sóc cây cảnh để chuẩn bị đón xuân. Những con đường bê tông được đưa vào sử dụng trong hai năm 2015-2016 đã làm đổi thay bộ mặt nông thôn huyện biên giới.

Hơn 1,7km đường bê tông của ấp 3A, xã Lộc Thuận là con đường mẫu cho các khu dân cư trong tỉnh học tập

Cuối tháng 11-2016, người dân ấp 4, xã Lộc Thuận tưng bừng khánh thành 1,7km đường bê tông, với mặt đường rộng 3m, dày 14cm. Cựu chiến binh, ấp trưởng 6 nhiệm kỳ Lê Quang Nghinh phấn khởi nói: Những hộ dân sống hai bên đường sẽ đổ đất lề để mở rộng đường, đồng thời trồng hoa lạc dại tạo cảnh quan và chống xói mòn. Niềm vui của người dân ấp 4 được nhân đôi khi năm 2016, huyện Lộc Ninh đầu tư xây 2 cây cầu trọng tải 30 tấn qua suối lớn. Nhờ đó, các loại xe tải nhẹ, xe dịch vụ đã đến tận ngõ để đón khách theo yêu cầu. Tết này, xe hơi của con cháu đi làm ăn xa phát đạt về sẽ được đậu tại sân nhà.

Ấp trưởng Lê Quang Nghinh, cuối năm 2014 cho biết thêm, ấp 4 được huyện chọn làm điểm bê tông hóa 700m đường để nhân rộng mô hình làm đường theo Đề án 03. Ấp 4 có 6 tổ tự quản, 5 năm liền là ấp văn hóa. Đến cuối năm 2016, 3 tuyến chính với hơn 5km và các đường xương cá của ấp 4 đã được bê tông hóa. Chỉ còn một số con đường nhỏ đang được ban phát triển ấp vận động nhân dân đóng góp hoàn thiện.

Nhớ lại không khí tưng bừng của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2014, chúng tôi như vẫn còn cảm giác lâng lâng khi chạy vòng qua những con đường vừa mới mở để chuẩn bị bê tông hóa ở các ấp 4, 5 và 7 của xã Lộc Thuận. Ấn tượng nhất là những khuôn mặt vui vẻ, phấn khởi của người dân sau hơn 3 thập kỷ sống trong cảnh không đường, mùa mưa bị cô lập dưới những thung lũng mịt mù. Về ấp 3A, chúng tôi cũng gặp niềm vui, sự phấn khởi và niềm tự hào trên khuôn mặt của người dân. Những cụ già ở tuổi “xưa nay hiếm” cứ ngỡ như đang mơ vì gần cả cuộc đời phải sống chung với con đường mưa lầy lội, nắng bụi mịt mù. Những con đường bê tông ở ấp 3A, 3B được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khen ngợi về sự sáng tạo của người dân trong thi công và đề xuất chọn làm mẫu cho các xã trong tỉnh học tập.

“Giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nếu gắn kết tốt các con đường ở xã, ấp với hệ thống giao thông của huyện, tỉnh sẽ tạo sự liên hoàn đột phá trong tăng trưởng. Để xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm đảm bảo được chức năng nêu trên cần phải có ý thức bảo vệ và trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng từ chính người dân. Từ thực tế cho thấy, làm đường giao thông theo Đề án 03 đảm bảo phát triển ổn định và lâu dài”.

Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân

Những ngày cuối năm 2016 chúng tôi về làng cao su ấp 3A, 3B, không khí xuân tràn vào từng ngõ. Bí thư Chi bộ ấp 3B Nguyễn Sinh Khoa tự hào khi 10 tuyến giao thông tại ấp đã bê tông hóa trong hai năm 2015-2016. Ban điều hành ấp đã đăng ký vật tư để ăn tết xong sẽ thi công 1km đường xương cá nối các đường nhánh.

Lộc Thuận có diện tích lớn thứ hai sau xã Lộc Tấn, nhưng cũng là điển hình trong triển khai Đề án 03 bê tông hóa đường thôn, ấp theo phương thức tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện đối ứng cát, đá, nhân dân làm đường. Chủ tịch UBND xã Hoàng Thế Nam phấn khởi: Xã có 48km đường thôn, ấp. Do địa hình dốc nên trước đây chỉ sau một mùa mưa là bao công lao tu sửa đường của người dân đều bị nước xói mòn, cuốn trôi. Làm đường theo Đề án 03, nhân dân phấn khởi hiến đất, mở đường. Nhờ đó có thêm nhiều tuyến đường mới. Với tốc độ này, khoảng cuối năm 2017, Lộc Thuận sẽ hoàn thành tiêu chí khó nhất trong xây dựng NTM là giao thông. Hiện xã đã hoàn thành 10 tiêu chí NTM. Năm 2016, Lộc Thuận là xã điển hình của huyện trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với 10/12 ấp có 3-5 năm liền đạt văn hóa.

ĐỀ ÁN CỦA Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN

Những ngày cuối năm, điện thoại của Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nguyễn Văn Hùng nóng ran do các xã đăng ký nhận vật tư xi măng, cát, đá để làm đường bê tông kịp đón tết. Năm 2016, dù xi măng của tỉnh cấp muộn, lại vào mùa mưa nhưng công trình các xã đăng ký đều đã hoàn thiện, trong đó đưa vào sử dụng 56km đường bê tông. Huyện trích kinh phí mua 800 tấn xi măng ngay từ đầu năm 2016 để hoàn thiện các công trình đã triển khai cuối năm 2015, khi tỉnh chưa phân bổ chỉ tiêu. Cuối năm 2016, huyện được tỉnh phân bổ thêm 2.400 tấn xi măng nhưng do khó khăn về kinh phí đối ứng cát, đá nên Lộc Ninh đang xin gia hạn chuyển qua năm 2017 để chủ động thi công các công trình trước mùa mưa. 

Được nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân nhiều khu dân cư ở huyện Lộc Ninh phấn khởi tham gia làm đường

Theo số liệu tổng hợp của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, từ cuối năm 2014 đến nay, Lộc Ninh đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng 100km đường bê tông, với 14.998 tấn xi măng, kinh phí 18 tỷ 750 triệu đồng (chưa tính tiền vận chuyển). Trong đó, tỉnh cấp 11.565 tấn, huyện trích kinh phí mua 3.433 tấn xi măng. Khối lượng đá 1x2 là 47.613m3 và cát 26.356m3, tổng kinh phí hơn 18 tỷ 921 triệu đồng. Nhân dân đóng góp 82.006 ngày công lao động (quy ra tiền 8 tỷ 758 triệu đồng). Tùy mật độ dân cư trên từng tuyến, bình quân mỗi hộ đóng góp 2-6 triệu đồng để thuê máy trộn xi măng, đầm dùi. Làm đường theo Đề án 03 tiết kiệm được 40-60%, do có thiết kế mẫu, nhân dân trực tiếp giám sát, chất lượng công trình tốt hơn. Các tuyến đường khi đưa vào sử dụng giao các hội, đoàn thể tự quản.

Vật tư đổ sẵn để nhân dân ấp 3B thi công công trình 

Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân cho biết: Cuối năm 2013, mạng lưới giao thông đường bộ toàn huyện khoảng 1.202,6km. Trong đó, đường huyện 182,2km, đường xã khoảng 584,5km, đường đô thị 35,9km, đường chuyên dùng 400km. Là huyện biên giới, địa hình có độ dốc lớn, dù hằng năm vẫn được bố trí kinh phí sửa chữa nhưng chỉ qua một mùa mưa lại bị xuống cấp. Ngày 9-12-2013, UBND huyện Lộc Ninh ban hành Đề án số 03/ĐA-UBND về đầu tư đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”. Lộc Ninh chọn 2 xã Lộc Thuận, Lộc Thái làm điểm và nhân rộng ra toàn huyện. Đề án 03 là minh chứng thực tiễn của quy chế dân chủ khi công trình do ban ấp, ban giám sát khu dân cư (do dân bầu) thực hiện các bước. UBND xã chỉ thẩm định dự án do ban phát triển ấp xây dựng và đăng ký công trình lên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện để nhận vật tư.

Đề án 03 là sáng tạo của huyện Lộc Ninh trong khoan sức dân để làm đường giao thông. Mừng xuân Đinh Dậu 2017, xã Lộc Hưng đã về đích NTM; 2 xã Lộc Hiệp, Lộc Thái sẽ về đích trong năm 2017. Các xã còn lại đã hoàn thành 9-10 tiêu chí. Nếu tiếp tục làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù thì đến năm 2020, Lộc Ninh sẽ hoàn thành chỉ tiêu giao thông nông thôn. Đây là một trong những tiêu chí được coi là khó nhất trong xây dựng NTM. Thật là ý Đảng hợp với lòng dân.

Phương Hà

  • Từ khóa
54025

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu