Thứ 6, 29/03/2024 17:53:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:43, 27/05/2017 GMT+7

Triệt đa cấp bằng luật

Thứ 7, 27/05/2017 | 10:43:00 139 lượt xem

BP - Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nghe báo cáo và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Đặc biệt, các đại biểu đã cho ý kiến bổ sung điều luật về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Bản chất của hoạt động đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả trong sự phát triển chung của xã hội. Hoạt động kinh doanh đa cấp du nhập vào nước ta từ năm 2000. Từ năm 2012 trở đi, hoạt động đa cấp tại Việt Nam bùng phát mạnh mẽ. Thời kỳ cao điểm cả nước có 67 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa cấp. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động của các đơn vị kinh doanh đa cấp tại Việt Nam đều vi phạm pháp luật và đã có nhiều biến tướng thành lừa đảo. Đó là việc lợi dụng bán hàng để kinh doanh dịch vụ và huy động tài chính trái phép, ảnh hưởng lớn đến người dân tham gia mạng lưới. Trong năm 2015, Bộ Công thương đã rút giấy phép nhiều đơn vị kinh doanh đa cấp. Riêng trong năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Lê Xuân Giang, Chủ tịch Công ty Liên kết Việt và đồng bọn đã lợi dụng đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng của hàng chục ngàn người. Tiếp đó, Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch công ty đa cấp Vina Việt Nam cũng bị khởi tố và bắt giam về tội lừa đảo. Đặc biệt, mới đây, Bộ Công thương đã chuyển hồ sơ của Công ty kinh doanh đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy sang cơ quan cảnh sát điều tra đã làm cho dư luận một phen rúng động. Bởi công ty này chấm dứt hoạt động sẽ khiến hàng ngàn người có nguy cơ trắng tay vì đã tham gia hệ thống đa cấp. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng đơn vị kinh doanh đa cấp đã vi phạm quy định của pháp luật cần phải xử lý hình sự. Bởi thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp đã lợi dụng lòng tin và khát vọng làm giàu của người dân để lôi kéo họ vào đường dây đa cấp trái phép. Hoạt động đa cấp ở nước ta chủ yếu là bán hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và chia hoa hồng cao làm cho người dân dễ bị mắc lừa. Sau khi huy động được số vốn lớn, một số công ty đã lộ nguyên hình lừa đảo khi tuyên bố chấm dứt hoạt động. Việc các đơn vị đa cấp đóng cửa đã gây thiệt hại lớn không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần cho hàng trăm ngàn người, chủ yếu là người nghèo ở các vùng nông thôn. Do đó, phải hình sự hóa hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý như thời gian qua.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất bổ sung “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” (Điều 217a của dự thảo luật). Đây là một điều luật mới so với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được dư luận đồng tình ủng hộ và xem đây là một chế tài để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép. Như vậy, cùng với việc một số đơn vị đa cấp bị xóa sổ thì với sự bổ sung của điều luật này chính là việc làm kịp thời để triệt tiêu hành vi lừa đảo của đa cấp.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu