Thứ 6, 29/03/2024 18:00:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:46, 31/07/2015 GMT+7

Triết lý của thành công

Thứ 6, 31/07/2015 | 08:46:00 141 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Minh Triết là người làng Dược Sơn, xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh (nay là thôn Lạc Sơn, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sống vào thời Lê Trung Hưng, là cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Minh Thiện đời nhà Mạc. Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học đâu nhớ đấy, văn thơ phú lục đều giỏi và những tưởng lớn lên có thể nối nghiệp tổ tiên, nhưng về sau đường khoa danh của ông vô cùng lận đận. Ông chỉ qua được kỳ thi Hương còn thi Hội thì lại nhiều lần không đỗ.

Tương truyền, một đêm ông đến cầu mộng ở chùa Hương Hải trong vùng, khi thiếp ngủ được thần nhân tới báo rằng: “Độc thư đáo lão vị thành danh”. Ông lẩm nhẩm dịch thành tiếng: “Có học đến già cũng không đỗ”, rồi giật mình tỉnh giấc mà quát to lên rằng: “Thần dẫu thiêng cũng chẳng kìm hãm được ta. Ta vẫn cứ học, xem thần làm gì được nào? Ý của ông là noi theo gương của Hàn Du ngày trước: “Càng không đỗ càng học”!

Miệt mài đèn sách, quả nhiên hơn 20 năm sau, khi ấy Nguyễn Minh Triết đã 51 tuổi, lên kinh đô thi Hội thì đỗ Hội nguyên. Sau đó thi Đình cũng lại đỗ Đình nguyên. Vài năm sau thi ứng chế (thi giữa những người đã đỗ đại khoa và đang làm quan) ông cũng xếp thứ nhất!

Về chuyện thi cử, đỗ đạt của Nguyễn Minh Triết có những tình tiết khá thú vị, xin lược kể như sau: Năm ấy là năm Tân Mùi, niên hiệu Đức Long thứ 3 (1631) đời vua Lê Thần Tông và chúa Thanh đô vương Trịnh Tráng. Trái với mọi lần, giờ thi thường bắt đầu vào giờ thìn hoặc chậm lắm là giờ tỵ, nhưng lần này, mãi đến đầu giờ ngọ (khoảng 2 giờ 30 phút) mới có “ngự đề” ban xuống. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về sự việc này như sau: ...Vua coi thi, thấy mặt trời có quầng, mống đỏ vây bọc xung quanh, lại có mống trắng xuyên vào giữa, mọi người cho thế là điềm ứng - nên mới chậm giờ, còn các sĩ tử lại truyền nhau, bảo: “Do chúa sinh vào năm “Ngọ” nên mới đặt ra lệ ấy”.

Giờ thi đã muộn, nhưng khi đề thi được bóc ra, thì các sĩ tử còn hoang mang hơn nữa: Cả thảy có đến 12 đề mục! Vì thời gian ngắn, đề mục nhiều, nên các sĩ tử vừa làm bài vừa nơm nớp lo sợ. Ai nấy đều bị khống chế bởi ý nghĩ phải làm cho đầy đủ cả 12 mục. Do vậy, trong nội dung từng mục, chỉ có thể làm được ở mức độ “lược thảo”. Chỉ riêng Nguyễn Minh Triết đã không làm như thế. Theo thứ tự, ông bình tĩnh làm từng mục, dẫn giải, biện luận đâu ra đấy rồi mới sang mục khác. Thế nhưng, khi ông vừa xong 4 mục, thì đã đến giờ phải nộp quyển. Nguyễn Minh Triết cùng các sĩ tử ra khỏi trường thi - không nhiều thì ít, trong lòng ai nấy đều cảm thấy ngao ngán.

Vì đinh ninh lần này cũng lại trượt như các lần trước, nên Nguyễn Minh Triết rời nhà trọ (ở trong kinh thành) để về nhà mình ở tận Chí Linh, Hải Dương ngay trong ngày, nhưng trước khi đi ông còn dặn hú họa lại nhà chủ: “Hễ thấy tên ông trong danh sách thì xuống báo hộ cho biết”. Nhà chủ vui vẻ nhận lời.

Đường xa, chân ướt, chân ráo vừa vào đến sân, bà vợ trông thấy đã hỏi ngay: Thế nào, ở trường thi ông làm bài ra sao? Và ông thực thà đáp:  Đề thi ra 12 mục, tôi làm đủ 4 mục, còn để sót lại 8 mục. Vừa nghe xong, bà vợ liền la toáng lên: Ới ông ơi là ông ơi, ngoài 50 tuổi đầu rồi mà 12 mục lại để sót những 8 mục, thì thử hỏi còn đỗ làm sao được? Ông mỉm cười chống chế: Bà không biết đấy thôi, chứ 4 mục mà làm đủ có khi còn hơn cả 12 mục làm thiếu ấy chứ.

Lời bàn:

Trong tâm thức của phần lớn các sĩ tử ngày trước, dẫu có tài giỏi hoặc chăm chỉ đến đâu, thì nhiều khi vẫn bị ám ảnh bởi câu “Học tài thi phận”. Vì thế đã có không hiếm trường hợp, kể cả những vị đại khoa danh tiếng tương lai cũng đã tìm đến các đền đài miếu mạo linh thiêng để cầu mộng, để mong biết trước hậu vận của mình. Và nhân vật Nguyễn Minh Triết trong giai thoại này cũng không vượt ra ngoài “thông lệ” ấy. Thế nhưng trong dân gian cũng đã có câu rằng “Có công mài sắt có ngày nên kim” và Nguyễn Minh Triết đã là người chứng minh cho chân lý đó.

Thế mới hay rằng, sống ở trên đời này, nếu những ai biết kiên trì và nhẫn nại thì người đó ắt sẽ đi đến thành công. Bởi nhẫn nại và kiên trì là hai đức tính mà mỗi người cần phải có, nhưng để có nó thì phải trải qua một quá trình rèn luyện gian khổ. Việc học đối với mỗi con người từ xưa tới nay cũng vậy. Cho dù mục đích học để làm gì của mỗi người đều khác nhau, nhưng muốn thành công thì cần phải nhẫn lại và kiên trì. Và quá trình ấy cũng giống như người nông dân trồng cây ăn trái vậy. Nó luôn có giai đoạn gieo hạt, chăm bón, bắt sâu, tỉa cảnh... và càng được chăm sóc kỹ thì sau này cây sẽ càng cho người trồng nhiều trái và ngược lại. Đừng ai mong rằng vừa mới gieo hạt ngày hôm nay mà đã có trái vào ngày mai.

 N.D

  • Từ khóa
109690

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu