Thứ 5, 18/04/2024 14:56:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:41, 21/11/2014 GMT+7

Bình Phước có thể ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp?

Thứ 6, 21/11/2014 | 10:41:00 193 lượt xem
BP - Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại nhất hiện nay. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn, phong phú và điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, Bình Phước là môi trường lý tưởng để ứng dụng CNSH tạo nên những thương hiệu nông sản sạch, chất lượng và hiệu quả cao.

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất hồ tiêu sẽ bớt bị bệnh và cho năng suất cao hơn (trong ảnh là vườn tiêu của anh Trần Tấn Lực, xã Lộc Tấn, Lộc Ninh)

Hiện nay, CNSH là ngành khoa học đang được cả thế giới quan tâm với tốc độ phát triển nhanh chóng và đang tạo ra một cuộc cách mạng sinh học nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, y dược, bảo vệ môi trường, vật liệu, năng lượng... Ở Việt Nam, CNSH trong nông nghiệp là lĩnh vực được chú trọng nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng; đồng thời cũng là lĩnh vực mang lại nhiều thành quả nhất. Đối với Bình Phước, ứng dụng CNSH trong nông nghiệp chủ yếu đang ở mức độ vĩ mô, như: đánh giá, khảo sát, điều tra, tổng hợp và áp dụng các kinh nghiệm là chủ yếu. Điều này cho thấy, chúng ta đang giữ khoảng cách xa với các tỉnh, vùng khác trong cả nước và còn rất xa so với yêu cầu phát triển, ứng dụng CNSH trên thế giới hiện nay.

Tiến sĩ Trần Hoàng Dũng cho biết: Để sản xuất nông nghiệp Bình Phước hiệu quả, trước hết tỉnh nên ứng dụng khoa học và công nghệ vào các khâu sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, cao su... đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, việc ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết.

Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao. Ví dụ như trồng nấm ăn (nấm bào ngư, nấm rơm, linh chi...) bằng cách tận dụng rác thải nông nghiệp (rơm rạ, vỏ đậu, vỏ lụa hạt điều, mạt cưa cao su, gỗ cao su mục...). Áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp và thuốc trừ sâu sinh học sẽ giảm thiểu phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu trong canh tác, sạch hóa và nâng cao chất lượng nông sản, tiến đến tạo thương hiệu nông sản sạch cho Bình Phước.

Tiến sĩ Trần Hoàng Dũng, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.

Theo tiến sĩ Trần Hoàng Dũng, để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Bình Phước tiến tới giai đoạn hiện đại, cần phải có đội ngũ cán bộ vững chuyên môn; có các phòng, trung tâm nghiên cứu thiết kế theo yêu cầu và có đầy đủ trang thiết bị hóa chất căn bản của một phòng thí nghiệm; hệ thống nhà lưới chất lượng phù hợp quy mô sản xuất... Các chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh cũng là đòn bẩy tích cực để khoa học tỉnh nhà nhanh chóng vươn lên. Mối liên kết giữa nhà nước - nhà nghiên cứu - nhà đầu tư và nhà nông mang tính quyết định đến kết quả và chất lượng của các nghiên cứu, ứng dụng CNSH.

Để nghiên cứu và phát triển công nghệ được như vậy, Bình Phước đang rất cần cần những mô hình canh tác kỹ thuật cao theo hướng khép kín, năng suất cao, mang tính sinh thái cho khu vực nông thôn và những mô hình nông nghiệp phục vụ khu vực đô thị đang ngày càng đô thị hóa cao. Hướng phát triển này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nếu so sánh với các mô hình sản xuất khác trên cùng một diện tích và thời gian.

Hà Giang

  • Từ khóa
37978

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu