Thứ 3, 16/04/2024 20:51:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:41, 19/08/2013 GMT+7

Ông Tư Bỗng kể chuyện cách mạng tháng Tám: Không tả hết được không khí tưng bừng

Thứ 2, 19/08/2013 | 08:41:00 1,719 lượt xem

>> LỘC NINH - NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG

Cách mạng tháng Tám thành công đã đưa lịch sử nước ta sang một trang mới. Với ông Nguyễn Quang Bỗng (Tư Bỗng) ở xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài thì mùa thu về là ông bồi hồi nhớ lại chặng đường gian khổ nhưng vinh quang đã qua. Ông chia sẻ: “Bước sang tuổi 88, 36 năm tham gia cách mạng, 65 năm tuổi Đảng, 2 lần được gặp Bác Hồ… với tôi, đời như thế là mãn nguyện rồi”.


“AI CÓ GIẾNG THÌ PHẢI RÀO”

Sau vài tuần trà, ông Tư Bỗng hồi tưởng lại: Cuối năm 1944 đầu 1945, phong trào yêu nước mạnh mẽ khắp nơi. Khi đó tôi 18 tuổi. Hòa trong làn sóng cách mạng ở xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đang sôi sục, tôi tham gia đội thanh niên cứu quốc. Đội tuyên truyền cổ động cho Mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân cùng đứng lên làm cách mạng để giải thoát cho mình và gia đình khỏi ách áp bức, bóc lột. Tôi vẫn nhớ như in những lời ông Sáu Thuần - một cán bộ Việt Minh về xây dựng lực lượng chuẩn bị biểu tình nói: “Ai có giếng thì phải rào” (nghĩa là rào giếng, nói lái của riềng giáo - tiếng Quảng Ngãi hiểu là rèn giáo). Mệnh lệnh ấy rộn rã khắp xã nhưng kẻ địch không hề hay biết.


Ông Tư Bỗng xúc động kể về những ngày tham gia Cách mạng tháng Tám

Ông Tư Bỗng nhớ lại: “Sang tháng Bảy (năm 1945), không khí chuẩn bị khởi nghĩa đã hừng hực khắp nơi. Ai không rèn được giáo mác thì vót chông tre, mài dao thường dùng. Những chánh tổng, lý trưởng, hương kiểm... đã không còn hống hách như trước. Bọn mật thám cũng bỏ đi hết. Mới chuẩn bị khởi nghĩa mà người dân đã phấn khởi, náo nức vô cùng...”.

Sau phút giây lắng đọng nhớ về ngày xa xưa, ông Tư Bỗng chia sẻ: “Nếu có sống trong cảnh lầm than trước cách mạng mới thấy Cách mạng tháng Tám đưa dân từ phận nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước quý giá như thế nào. Niềm vui lớn nhất là xóa bỏ được các loại thuế hà khắc, vô lý khiến cho dân phải đói nghèo, khổ cực. Nói thế nào cũng không thể tả hết được không khí tưng bừng thời mới giành chính quyền. Gặp mặt, mọi người đều gọi nhau là đồng chí. Vui lắm!”.


VINH DỰ HAI LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

Tham gia đội du kích Ba Tơ, nhiệt tình, lại có chút chữ nghĩa, ông Tư Bỗng được chọn lên huyện tham gia lực lượng vũ trang. Vinh dự nhất vẫn là được gác cổng cho mọi người đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên, ngày đất nước giành chính quyền hôm 6-1-1946.

Từ năm 1947, cuộc đời ông Tư Bỗng gắn liền với trận mạc. Qua bao trận chiến với những ký ức khắc sâu, ông cho biết, đáng nhớ nhất chính là kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu vào năm 1956, khi ông đang là sinh viên trường Lục quân, được đón Bác về thăm trường. “Sự quan tâm của Bác tới sinh viên khiến ai cũng cảm động. Khi đó, Bác đã căn dặn chúng tôi phải luôn phấn đấu để trở thành người lính tốt, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Tôi đã khắc trong tim, coi như kim chỉ nam”, ông kể với giọng đầy cảm xúc.

Lần thứ hai, ông vinh dự gặp Bác là năm 1962, tại Sân bay Nghệ An, khi ông đang đóng quân tại đây. Ông chia sẻ: “Gặp Bác, cảm động trước tình thương bao la của Người, tôi đã nguyện với lòng mình có gian khổ, hy sinh cũng vẫn một lòng theo Bác, theo lý tưởng của Bác”.


HY SINH TÌNH RIÊNG VÌ NƯỚC

Được phong quân hàm thiếu tá từ năm 1970 cho đến khi nghỉ hưu, nhưng ông Tư Bỗng không có chế độ đãi ngộ đặc biệt nào ngoài lương. Ông tâm sự: “Làm cách mạng để giải phóng cho mình và gia đình là mừng rồi. Tôi không đòi hỏi gì hết. Nhiều người còn khó khăn hơn.
 
Tuy nhiên, tôi mong cán bộ hiện nay học theo Bác để làm nhiều việc có lợi cho dân, cho nước, đừng tham ô, nhũng nhiễu dân mà làm mất uy tín của Đảng, của cách mạng”.

Năm 1964, ông Tư Bỗng được chuyển vào Nam chiến đấu, làm Huyện đội trưởng Huyện đội Phước Bình (nay thuộc thị xã Phước Long và một phần huyện Bù Gia Mập). Nhiệm vụ chủ yếu của ông là hỗ trợ đồng bào “diệt ác phá kìm” trong các ấp chiến lược. Ông kể: địch càn dữ, khó nhận tiếp tế nên ông và đồng đội đã phải trường kỳ ăn củ nần, củ năng, củ chụp, lá rừng thay cơm; bị sốt rét rừng hành, đối mặt với bom đạn của kẻ thù. Gian khổ, ác liệt nhất vẫn là giai đoạn 1968-1972. Củ năng, củ chụp cũng không đủ mà ăn. Nhưng qua mỗi trận đánh, được dân giúp đỡ mới thấy sức mạnh từ dân, sự quý trọng của dân với bộ đội.

Thống nhất đất nước, ông quay về tìm vợ sau 24 năm xa cách thì bà đã ra đi vì bạo bệnh. Năm 1980, ông nghỉ hưu mới nghĩ tới việc lập gia đình. Vợ của ông là một Việt kiều Campuchia yêu nước.

Không chỉ suốt cuộc đời ông làm cách mạng, mà cha mẹ ông cũng là gia đình có công giúp đỡ cách mạng; hai em ông đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Được thông báo chuẩn bị đón nhận Huy hiệu 65 năm tuổi đảng vào ngày Quốc khánh năm nay, ông nao nao nhớ về những ngày tiền khởi nghĩa rồi nói: “Đó là tiền đề, là cơ hội cho tôi phấn đấu và đứng vào hàng ngũ của Đảng suốt 65 năm qua”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
8764

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu