Thứ 6, 29/03/2024 16:45:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:56, 31/07/2015 GMT+7

Cách mạng Tháng Tám - 1945, biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Thứ 6, 31/07/2015 | 10:56:00 1,767 lượt xem

BPO - Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang chói lọi nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đã đưa dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa trở thành nước độc lập, nhân dân Việt Nam từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định.

Để chuẩn bị lực lượng cho cách mạng Việt Nam, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất (tháng 2 năm 1930) đã chỉ ra:  Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng xây dựng khối đoàn kết rộng rãi với các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước và các tổ chức cách mạng, chỉ đánh đổ các lực lượng và các đảng phái phản cách mạng, phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ. Quan điểm đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã dấy nên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân trong thời kỳ 1930 -1931với đỉnh cao là Xô-Viết Nghệ Tĩnh. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sáng tạo ra hình thức tập hợp lực lượng mới, huy động quần chúng, tập dượt quần chúng, phát động phong trào quần chúng rộng rãi đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ nên đã “lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu người”, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám. Khi tình hình thế giới và trong nước biến chuyển có lợi cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kịp thời đưa chủ trương thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Để thực hiện chủ trương đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941) đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh là: “chủ trương liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” (1). Đồng thời cũng khẳng định: “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập” (2).

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8-1945. Ảnh: Tư liệu -TTXVN

Năm 1943, trước sự chuyển biến mới về thời cuộc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Võng La (Đông Anh, Hà Nội), quyết định mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị nhận định: “Ở Đông Dương hiện nay thiếu một phong trào cách mạng quốc gia tư sản và phong trào thanh niên học sinh. Do đó, cuộc vận động cách mạng ở Đông Dương vẫn hẹp hòi, có tính cách công nông hơn là tính cách toàn dân tộc” (3). Hội nghị đề ra chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước ở trong và ngoài nước chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều, lập ra Hội văn hóa cứu quốc ở các thành phố nhằm đoàn kết các nhà trí thức và các nhà văn hóa. Nguyên tắc củng cố và phát triển mặt trận là: “Phải luôn luôn củng cố và phát triển những tổ chức của thợ thuyền, dân cày vì đó là xương sống của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật- Pháp, nhưng đồng thời phải hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc của thanh niên, phụ nữ và tư sản, địa chủ, tiểu thương...nếu không, Mặt trận dân tộc không có tính cách toàn dân mà chỉ có tính cách công nông” (4). Chính vì vậy, Đảng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong cao trào kháng Nhật cứu nước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.Với mục đích, tôn chỉ và tổ chức như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, một khối đoàn kết toàn dân được kiến tạo rộng rãi, vững chắc bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Từ cuối năm 1941 đến năm 1942, các hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc...đã được thành lập. Ở căn cứ địa Việt Bắc, đội Cứu quốc quân được thành lập, tiếp  đó là sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944). Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và các lực lượng vũ trang cách mạng là lực lượng căn bản của cách mạng lúc này. Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn và thị xã, không những có cơ sở vững chắc trong nước mà còn có cơ sở trong Việt kiều ở nước ngoài. Những Việt kiều yêu nước ở Vân Nam (Trung Quốc) thành lập Hội giải phóng Việt Nam. Sau khi liên lạc với lực lượng cách mạng trong nước (cuối 1942), Hội giải phóng Việt Nam được coi như bộ phận của Mặt trận Việt Minh.

Tối 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Pháp. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Đình Bảng (Bắc Ninh), ra bản chỉ thị “Nhật -Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị quyết định phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước trong toàn quốc làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa và quyết định thay đổi khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật -Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Sự thay đổi khẩu hiệu đó cho thấy Đảng ta đã kịp phân hóa hàng ngũ kẻ thù để tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ nhằm tập hợp ngọn lửa chiến tranh vào kẻ thù chính là phát xít Nhật. Trước không khí sục sôi cách mạng của quần chúng, Đảng đưa ra khẩu hiệu “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” đã đáp ứng nguyện vọng khẩn thiết, cấp bách trước sự sinh tồn của đại đa số nhân dân. Đây là một nghệ thuật phát động quần chúng của Đảng, đã đưa hàng triệu quần chúng từ đấu tranh cho quyền lợi kinh tế hàng ngày đến giác ngộ về chính trị. Chính vì vậy, phong trào phá kho thóc giải quyết nạn đói của quần chúng không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc. “Khẩu hiệu này đưa ra giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang diễn ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, do đó đã thổi bùng ngọn lửa căm thù trong đông đảo nhân dân và phát động quần chúng vùng dậy với khí thế cách mạng hừng hực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền” (5).

Từ căn cứ Việt Bắc, dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa, các đơn vị Giải phóng quân tỏa về các địa phương tiến đánh địch ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn... phối hợp cùng lực lượng nổi dậy của quần chúng đánh đổ chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng. Ở các địa phương khác trong toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của cấp bộ Đảng và Ủy ban khởi nghĩa, lực lượng chính trị hùng hậu của nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang, trang bị bằng vũ khí thô sơ như giáo mác, gậy gộc...đã nhất tề nổi dậy dưới hình thức phổ biến là mít tinh, biểu tình tuần hành vũ trang với khí thế mạnh mẽ, quyết liệt, áp đảo chiếm các công sở, lật đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Ở Hà Nội, ngày 19-8, hàng chục vạn nhân dân nội thành và ngoại thành cùng với tự vệ chiến đấu xuống đường biểu tình thị uy, chuyển thành cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn, khiến cho quân Nhật và chính quyền bù nhìn hoảng sợ, bất lực. Quân khởi nghĩa tràn lên chiếm các cơ quan đầu não của địch, chính quyền về tay nhân dân. Ở Huế, ngày 23-8-1945, hàng chục vạn nhân dân xuống đường biểu tình thị uy, chiếm công sở buộc vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25-8, hàng triệu người của thành phố Sài Gòn xuống đường toả ra chiếm các vị trí quan trọng và thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn tạo khí thế cho các tỉnh Nam Bộ vùng lên giành chính quyền.

Như vậy, từ khi ra đời Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để tạo nên sức mạnh quật khởi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định lực lượng cách mạng. Với đường lối đúng đắn ngay từ đầu, Đảng ta đã huy động được sức mạnh của lực lượng toàn dân tộc, nêu cao tinh thân yêu nước, khát vọng độc lập tự do, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; đã tập hợp được các tổ chức yêu nước và đông đảo quần chúng nhân dân thành một khối trên tất cả địa bàn rừng núi, nông thôn, đồng bằng và đô thị; trong tất cả mọi giai cấp, tầng lớp xã hội kể cả các giai cấp bóc lột, tầng lớp trên có tinh thần yêu nước, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, tiến bộ. Không có lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc như thế, không thể có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, với những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta cần tiếp tục  xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tính sáng tạo, truyền thống yêu nước nồng nàn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t7, tr. 461.

(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t7, tr. 461.

(3) Sđd, tr. 290.

(4) Sđd. tr.294.

(5) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H,1976, tr.47.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
13563

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu