Thứ 7, 20/04/2024 00:46:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:37, 19/01/2019 GMT+7

“Trồng cây nào, chắc cây ấy”

Thứ 7, 19/01/2019 | 09:37:00 251 lượt xem

BP - Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực, nhan đề “Tết trồng cây” đăng Báo Nhân Dân ngày 28-11-1959, gần 60 năm qua, Tết trồng cây đã trở thành tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam mỗi dịp tết đến, xuân về. Tết trồng cây đã thực sự trở thành ngày hội lớn với nhiều ý nghĩa, được đông đảo nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Đặc biệt, việc trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, nhất là khi biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc tổ chức Tết trồng cây trong những năm gần đây cũng để lại nhiều điều đáng suy ngẫm.

Với đặc thù nghề nghiệp, người viết đã nhiều lần tham gia Tết trồng cây, các hoạt động trồng cây lưu niệm ở những khu di tích văn hóa, lịch sử, trường học, đền, chùa... Đa số cây được trồng đều có giá trị lâu dài, cả về kinh tế lẫn giá trị lịch sử, văn hóa. Đó là những cây cổ thụ, to lớn, được chuyển từ nơi khác đến, thậm chí có cây từ rừng, từ vườn quốc gia về?! Do không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thiếu sự chăm sóc chu đáo, nhiều cây cổ thụ đã không sống được quá 1 năm. Cũng có nơi, do thiếu sự quy hoạch tổng thể nên trồng cây được một thời gian thì phải chặt bỏ để lấy đất thực hiện công trình, dự án khác, rất lãng phí! Hoặc hàng loạt cây đang xanh tốt, tỏa bóng mát, tạo không khí trong lành đã bị chặt bỏ để trồng cây khác, do “tư duy nhiệm kỳ”, thậm chí có cả yếu tố phong thủy của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Bệnh hình thức cũng diễn ra khá phổ biến qua các Tết trồng cây ở nhiều địa phương trong cả nước. Còn nhớ, trong phiên họp đầu xuân về tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư về tổ chức tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, khi nói về chuyện trồng cây dịp tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “...Làm sao cho nó thiết thực, cứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá. Cây thì to đùng ra, xây sẵn cái vòng xung quanh rồi. Cái đó đã nói rồi nhưng mà dưới địa phương không chịu chuyển, cứ chuẩn bị sẵn. Thậm chí cái cán xẻng tôi nói nhiều lần lắm rồi, quấn xanh xanh đỏ đỏ này, rồi thì bác trồng cây bác phải đi găng tay, xong rồi ra có người đưa cho cái khăn lau tay này. Tôi bảo không, tớ nông dân quen rồi, phủi thế này sạch rồi”.

 Trong bài “Tết trồng cây” viết năm 1969, quan điểm của Bác là “trồng cây nào, chắc cây ấy”; việc trồng cây phải xuất phát từ lợi ích sâu xa “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Vì vậy, việc tổ chức Tết trồng cây phải thực sự thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; phải tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng chứ không phải chỉ một nhóm người “diễn” để quay phim, chụp hình, xong thì đâu lại vào đó, hiệu quả chỉ trên báo cáo. Đặc biệt, cần có một chiến lược quy hoạch trồng cây xanh bài bản, tổng thể, dài hạn trên phạm vi cả nước, trồng đâu được đấy. Đồng thời, “ứng dụng tiến bộ trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt”... Đây cũng là một trong những yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 153/UBND-KT, ngày 16-1-2019 về phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn Bình Phước.

Thanh Ngọc

  • Từ khóa
109035

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu