Thứ 5, 25/04/2024 02:58:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:02, 06/05/2011 GMT+7

Trồng dưa hấu trên mặt ruộng có phủ nilông cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ 6, 06/05/2011 | 09:02:00 557 lượt xem
Cách đây 10 năm, gia đình anh Lê Văn Đời ở ấp 5, xã Minh Lập (Chơn Thành) là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhờ học hỏi kinh nghiệm, gia đình anh Đời đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng mô hình trồng dưa hấu trên mặt ruộng có phủ nilông.

Vườn dưa của gia đình anh Lê Văn Đời mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo anh Đời, trồng dưa hấu phủ nilông có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng thông thường. Với mô hình này, vườn dưa sẽ hạn chế được sâu bệnh, hạn chế thoát hơi nước từ đất, tiết kiệm nước tưới, phân bón, tăng khả năng quang hợp cho cây; đồng thời hạn chế cỏ dại, giữ độ ẩm và nhiệt độ cho bộ rễ, chống xói mòn và úng rễ... Tuy nhiên, để chuyển đổi phương pháp trồng mới này, anh Đời đã phải mất nhiều năm học hỏi kinh nghiệm từ các hộ trồng dưa trước đó và tìm đến Trạm khuyến nông huyện để trao đổi về giống, cách trồng.

Anh Đời cho rằng, trồng dưa hấu không khó, nhưng để đạt năng suất cao và độ ngọt của trái, người trồng cần có kinh nghiệm và cách chăm sóc tỉ mỉ. Trước khi trồng nên dùng phân hữu cơ vi sinh, vôi và phân lân để bón lót. Sau 33 ngày trồng là thời điểm bắt đầu chọn trái. Mỗi dây dưa chỉ để một trái, ở vị trí đốt thứ 15 đến 20 trên dây chính. Cách chọn này sẽ giúp trái ngọt hơn. Để chọn được trái ở vị trí mong muốn, người trồng cần chăm sóc ruộng dưa thật tốt, không để lá gốc bị bệnh, vì lá gốc quyết định rất lớn đến độ ngọt của trái.

Để có một mùa dưa thắng lợi, cần chọn thời điểm trồng cho phù hợp, tốt nhất là dưa cho thu hoạch vào các ngày như dịp Tết Nguyên đán, lễ 30-4, mồng 1-5... Vì đây là thời điểm dưa tiêu thụ nhiều nhất, nên giá thành bán ra cao hơn so với trồng trái vụ. Bón phân cũng là khâu quan trọng trong trồng dưa phủ nilông, đặc biệt là giai đoạn nuôi trái. Bên cạnh đó, người trồng phải luôn quan tâm đến độ thông thoáng của ruộng dưa, tiến hành tỉa nhánh con, sửa dây dưa nhằm hạn chế sâu bệnh. Cần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, nếu bắt buộc phải sử dụng nên chọn loại ít độc. Bởi lẽ, nếu sử dụng thuốc nhiều dây sẽ bị “nóng”, không phát triển được. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dưa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Anh Đời cho biết thêm: Khi dây dưa phát triển, phải tỉa bớt nhánh để tránh hao phí chất dinh dưỡng, dây mập dễ chăm sóc và thuận lấy trái sau này. Dây phải được cố định vị trí bò song song nhau trên mặt luống và thẳng góc với hàng trồng. Khi dưa ra hoa, biện pháp kỹ thuật cần thiết là bón thúc phân nuôi trái, trái lớn đều, chín và thu hoạch cùng lúc. Nước cũng rất quan trọng đối với giống dưa hấu. Chỉ cần một ngày không có nước tưới là toàn bộ ruộng dưa héo rũ. Chính vì vậy, khi thuê đất trồng dưa anh Đời đã chọn những chỗ có nguồn nước dồi dào và xây dựng hệ thống ống tưới trên toàn bộ diện tích trồng dưa. Thông thường trồng dưa có hai cách tưới: Tưới ngấm bằng cách bơm nước vào các rãnh để nước ngấm dần vào gốc dưa hoặc tưới trực tiếp lên thân dưa. Hai cách này không hiệu quả đối với trồng dưa phủ nilông, nên anh đã cải tiến cách tưới mới. Sau khi làm luống, lên liếp, anh mua vòi tưới nước rải dọc các luống, cạnh mỗi gốc dưa châm một lỗ. Khi bơm nước, tự động nước trong lỗ phun ra, ngấm vào các gốc dưa. Phương pháp này vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm thời gian mà vẫn bảo đảm cho toàn bộ vườn. 2 ha trồng dưa của anh đã sử dụng phương pháp này với chi phí đầu tư khoảng 35 triệu đồng để mua máy bơm, ống dẫn nước, vòi tưới.

Vụ này dự đoán năng suất vườn dưa 2 ha của gia đình anh Đời không dưới 70 tấn/ha. Với giá bán 4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh còn lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ. Với kết quả đó, mảnh đất anh thuê (2 triệu đồng/ha) sẽ giúp những người giàu nghị lực, chịu khó như anh Đời nhanh chóng cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên làm giàu.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
39126

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu