Thứ 6, 26/04/2024 22:04:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:25, 13/09/2018 GMT+7

Trục lợi từ gánh nặng

Thứ 5, 13/09/2018 | 08:25:00 112 lượt xem

BP - Ngày 10-9, tại hội nghị “Bước kế tiếp trong tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam”, do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Tổng cục Hải quan và Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) tổ chức, cố vấn cao cấp của GATF, ông Nestor Scherbey, công bố kết quả nghiên cứu về lĩnh vực hành chính ở 126 quốc gia cho biết những con số rất đáng chú ý, như: Chi phí thương mại theo giá trị hàng hóa ở các nước đang phát triển là 219%, trong khi đó ở các nước phát triển chỉ 134%; các quy định thương mại lỗi thời, thủ tục rườm rà, không minh bạch tạo gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế tương đương với mức thuế quan vô hình tăng thêm 1,64 lần.

Kết quả nghiên cứu công bố tại hội nghị còn có nhiều con số đáng lưu ý và ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả con số này cho thấy một điểm chung: Ở những quốc gia càng phát triển thì chi phí thương mại càng thấp, ngược lại ở nước kém phát triển chi phí thương mại càng cao; quốc gia càng phát triển thì càng có nền hành chính phát triển, tinh gọn, minh bạch và ngược lại.

Kinh tế nước ta đã bước vào sân chơi toàn cầu và gặt hái được nhiều thành tựu. Đó cũng là lúc quản lý hành chính, quản lý kinh tế đặt ra nhiều thách thức hơn. Nhiều vấn đề về quản lý kinh tế cũng nảy sinh, trong đó còn nhiều kẽ hở, nhưng nhiều vấn đề lại quá máy móc hoặc quản quá chặt đến mức để người được giao nhiệm vụ trục lợi. Những điều này được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, đối tác thương mại và cả xã hội phản ánh, cảnh báo nhiều năm qua. Hệ lụy của nó cũng ngày một lớn hơn, đặc biệt là khi hội nhập toàn cầu ngày một sâu rộng hơn, doanh nghiệp, hàng hóa phải cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn. Điều đó đã buộc các cơ quan chức năng phải từ bỏ cách quản lý “ăn cây nào rào cây ấy” để chuyển sang hướng kiến tạo, phục vụ. Điển hình như 2 năm qua, Bộ Công Thương đã tiên phong xóa bỏ hàng ngàn quy định về thủ tục hành chính, qua đó đã tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Ở cấp tỉnh, đơn vị có bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đều là những địa phương gặt hái được nhiều thành công. Điển hình như Đà Nẵng, Quảng Ninh là hai địa phương đi đầu cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch trong quản lý, cũng là những tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất, trong nhóm những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước, được người dân cả nước ngưỡng mộ, đánh giá cao. PCI của Bình Phước năm 2017 rất thấp, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố. Dù vậy, không phải tất cả các chỉ số thành phần trong PCI của Bình Phước đều kém, đều thấp, thậm chí có chỉ số đạt điểm cao. Nhưng cũng có những chỉ số rất thấp, như thiết chế pháp lý 4,02 điểm, cạnh tranh bình đẳng 4,15 điểm, chi phí không chính thức 4,95 điểm, chi phí thời gian 5,76 điểm... Những chỉ số này ngoài cùng mẫu số điểm thấp, còn có một điểm chung khác, đó là đều thuộc nhóm liên quan đến hành chính và thủ tục hành chính.

Có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng từ kết quả nghiên cứu công bố tại hội nghị ngày 10-9 như đã nêu và những chỉ số thành phần của PCI cho thấy, hành chính là một trong yếu tố cơ bản nhưng nếu không thực hiện tốt thì sẽ làm cho chẳng những doanh nghiệp Bình Phước gặp bất lợi trong cuộc cạnh tranh phát triển, mà xã hội còn thêm gánh nặng rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, thiệt hại một cách vô hình là đại bộ phận nhân dân, chỉ một số rất ít người có quyền lực hoặc được giao nhiệm vụ liên quan trục lợi, làm giàu từ gánh nặng đó.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu