Thứ 6, 29/03/2024 18:05:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:56, 18/02/2020 GMT+7

Trung quân ái quốc

Hồ Ngọc
Thứ 3, 18/02/2020 | 14:56:00 6,254 lượt xem
BPO - Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”, Thân Văn Nhiếp sinh năm 1804, tại kinh đô Huế. Cụ thân sinh ra ông là Thân Văn Quyền có tiếng là học giỏi, nhưng vì cuộc tao loạn hồi Tây Sơn nên không theo nghiệp lều chõng, mà chỉ ở nhà hành nghề dạy học. Mãi đến năm 53 tuổi, ông mới được người quen tiến cử ra làm quan, nhưng hoạn lộ cũng thăng giáng bao phen vì bản tính thật thà, cương trực, bênh lẽ phải đến nơi đến chốn.

Niên hiệu Minh Mệnh thứ 15, ông đứng ra can vua hãy giảm tội cho tiến sĩ Nguyễn Trữ (bấy giờ làm quan Án sát Hưng Yên), viện lẽ chiếu cố kẻ hiền tài, vua cả giận sai truyền đưa ông đi xử trảm ngang lưng. May mà nhà vua kịp trấn tĩnh lại, mới cho thị vệ đem hỏa bài đến An Hòa môn hoãn lệnh thi hành án.

Thân Văn Nhiếp được cha rèn cặp nghiêm khắc từ nhỏ, 4 lần thi chỉ đậu tú tài, mãi đến năm 1841 mới trúng hương tiến. Vì thế, phải chờ đến năm 40 tuổi ông mới được bổ dụng làm quan. Thân Văn Nhiếp lần lượt được bổ nhiệm tại các tỉnh Khánh Hòa, Gia Định, Vĩnh Long, Bình Thuận, Bình Định... hiếm khi lắm ông mới được triệu về kinh, từ Hành tẩu Bí thư sở, cho đến Tham biện Lễ bộ, Lại bộ, Binh bộ... Tháng 11-1856, từ chức vụ Biện lý Binh bộ, triều đình cử Thân Văn Nhiếp làm Bố chánh Quảng Nam. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải giải quyết nạn đói, phủ dụ dân chúng để kịp đối phó với các cuộc gây hấn của người Pháp.

Năm 1858, khi làm Tổng đốc Bình Phú, ông dâng sớ xin vua cấm nha phiến, không nên cho buôn bán mà đánh thuế. Ông đã tâu đi tâu lại 2, 3 lần nhưng vua không nghe. Tháng 10-1858, triều đình cử Nguyễn Tri Phương vào làm Tổng trấn quân vụ. Ông Thân Văn Nhiếp trong thời kỳ làm Đốc học Gia Định, từng quen biết và được Nguyễn Tri Phương khen là người biết đủ kinh sử, đúng mực làm thầy, nên dưới quyền Nguyễn Tri Phương, ông đã hết sức chỉ đạo mọi việc trong tỉnh phục vụ cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 4-1861, triều đình cử Thân Văn Nhiếp làm Hiệp tán Quân thứ ở Biên Hòa. Ông quyết tâm thực hiện ý đồ chủ động cản bước tiến của quân Pháp. Thân Văn Nhiếp đem quân sĩ giấu mình trong núi Long Ân để chặn đường không cho người Pháp đến được chân thành Biên Hòa. Ông lựa thế đánh gấp để thu hồi các vùng Bình An, Thủ Dầu Một, việc này càng khiến đối phương khó băng qua đất Đồng Bản để tiến về Biên Hòa. Đến ngày 17-11-1861, quân Pháp dùng các loại tàu chiến để vượt khúc sông thì thành Biên Hòa mới thất thủ.

Bấy giờ, Thân Văn Nhiếp bèn giao lại binh quyền cho Phó đề đốc Lê Quang Tiếng rồi cải trang vượt rừng ngót 3 ngày để tới núi Nữ Tang. Ông cùng mấy người hào nghĩa xuống thuyền qua cửa Cần Giờ đến huyện Phúc Lộc (Gia Định). Tại đây, ông cùng quan Tuần vũ Đỗ Quang trù nghị, mộ nghĩa binh hơn 100 người, binh cơ được 3 vạn. Nghĩa quân lấy cột nhà đốt than mà đúc thêm súng, lại đốc thúc thổ hào Bùi Quang Diệu, tùy thế phòng tiện để chờ viện binh. Ngày 5-6-1862, triều đình Huế bất đắc dĩ phải cắt nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông cho phía Pháp. Lúc này, Thân Văn Nhiếp tự thấy tình thế vô phương nên từ bỏ ý định kháng cự quân Pháp bằng võ lực, ông đành trở về đất Vĩnh Long để đợi lệnh triều đình.

Năm 1866, ông dâng sớ xin nhà vua thân hành đi tế Nam giao, không nên cử khâm mạng đi thay. Trong bản sớ, ông viết rằng: Vua mà tế trời như con tế cha mẹ. Nếu tế cha mẹ mà con không đứng lễ, biểu người đầy tớ làm thay thì linh hồn cha mẹ chắc không bằng lòng, rồi sự cúng tế hóa ra vô ích. Vua Tự Đức phải có lời thanh minh vì lý do sức khỏe của mình.

Năm 1868, Thân Văn Nhiếp dâng sớ khuyên vua Tự Đức rằng: Nay xin triệt nhà thủy tạ, hủy vườn hậu phố, chẳng cần ngựa hay, bỏ việc đặt giá mua để thư sự đau khổ cho dân, xua con hát để tăng nghe được đoan chính. Thần cúi thấy thế sự ngày nay là thế nào? Bờ cõi cũ chìm mất, giặc Bắc tràn lan, nắng, lụt gió bão, chỗ nào cũng có tai biến, sức kiệt, của hết, dân không lấy gì mà sống được. Lòng người ở nơi gần kinh kỳ náo động, loạn lạc nổi lên, cái thế an nguy thật không chỉ trăm mối lo mà thôi...

Lời bàn:

Thân Văn Nhiếp không chỉ là nhà quân sự có tài, mà còn là vị quan cương trực, thương dân. Ông luôn quan tâm bồi bổ sức dân. Lúc dân chúng Quảng Nam bị mất mùa, đói kém, một mặt ông tâu về triều đình và lập tức xuất kho lúa, công quỹ cấp phát cho dân, mặt khác, ông vận động quyên góp của người giàu giúp đỡ người nghèo. Lại còn cho thương gia đi thuyền vào Nam bộ mua lúa chở ra, đồng thời vận động di dân vào Nam sinh sống. Nhiều biện pháp ấy kết hợp chặt chẽ với nhau nên ông đã nhanh chóng giải quyết được nạn đói, phục hồi sức dân để sản xuất mùa tới.

Phụng sự đất nước 30 năm trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng ở đâu, cương vị nào ông cũng được đồng liêu và người dân yêu mến, kính trọng. Khi thực dân Pháp bắt đầu tiến công xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn suy yếu, vua Tự Đức không có tầm nhìn chiến lược canh tân tự cường, quần thần thì nhiều kẻ cơ hội, chủ hòa thất bại. Trong hoàn cảnh ấy, Thân Văn Nhiếp vẫn một lòng trung quân ái quốc. Với tài thao lược, đức tính cương trực và quan điểm chăm lo sức dân của ông luôn làm cho chúng ta khâm phục. Tinh thần và tấm lòng vì dân, vì nước của ông là bài học quý giá cho muôn đời sau.

  • Từ khóa
110290

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu