Thứ 6, 29/03/2024 17:27:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 09:34, 16/05/2015 GMT+7

Tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Hôn nhân tự nguyện, nhưng chia tay...

Thứ 7, 16/05/2015 | 09:34:00 2,542 lượt xem
BP - Xưa kia, chuyện hôn nhân thì “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Điều này được hiểu là dưới thời phong kiến, không có tình yêu trước hôn nhân mà là sự sắp đặt của người lớn. Còn bây giờ hôn nhân là “Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó”. Và điều này thể hiện rõ chất liệu để tạo nên hôn nhân ngày nay là tình yêu.


Một tiết mục thi trả lời nhanh câu hỏi của các gia đình trong Ngày hội gia đình hạnh phúc tỉnh - Ảnh: S.H

Đồng thời, điều này cũng đã đánh dấu việc quan hệ hôn nhân ở nước ta đã bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nam nữ bình đẳng. Tuy nhiên, theo Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2015, nam và nữ “yêu thì đến với nhau” một cách tự do, tự nguyện, không ai có quyền ngăn cản, cấm đoán. Không những thế, hôn nhân tự nguyện giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, tại các khoản 1 và 2, Điều 2 trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau: 1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. 2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Và đây được xem là “cuộc cách mạng” trong pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta.

Như vậy, việc nam nữ yêu nhau và đi đến kết hôn là vô cùng đơn giản và dễ dàng, nhưng khi chia tay thì không phải như vậy, Luật hôn nhân và gia đình đã bổ sung quy định: “Việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” (Điều 59). Điều này có nghĩa là: Nếu người vợ hoặc người chồng có hành vi ngoại tình, rượu chè, nghiện hút, phá tán tài sản, bạo hành... hoặc có những hành vi khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình thì khi ly hôn sẽ được chia tài sản chung ít hơn người kia. Như vậy, nói cách khác là khi đã không còn yêu nhau thì không phải dễ dàng nói ra hai chữ “chia tay” như trước kia. Bởi người nào gây ra lỗi để dẫn đến chuyện chia tay thì phải gánh lấy hậu quả pháp lý về “thiệt hại khối tài sản chung”.

Và chính quy định này đã góp phần vào việc hạn chế tình trạng ly hôn hiện nay và bảo vệ phía “bị hại” trong quan hệ hôn nhân. Đồng thời, với quy định này, Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã nhìn nhận đúng thực tiễn về đời sống hôn nhân của người Việt Nam, đó là: Chất liệu để tạo nên hôn nhân chính là tình yêu, nhưng chất liệu để duy trì hôn nhân bền vững thì không phải chỉ có tình yêu mà còn phải có nghĩa  có tình và tấm lòng bao dung, độ lượng.

Vâng, để cuộc sống thực sự có ý nghĩa và có một tình yêu vững bền thì xin “hãy sống như bạn chỉ còn một ngày để sống, hãy làm việc như bạn chỉ còn một ngày để làm việc, hãy yêu như bạn chưa từng yêu và chỉ có một lần để được yêu”.

Hoàng Mai

  • Từ khóa
26570

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu