Thứ 6, 26/04/2024 20:38:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 11:21, 10/08/2017 GMT+7

Trung thần oanh liệt

Thứ 5, 10/08/2017 | 11:21:00 264 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Phụng Hiểu không chỉ vâng mệnh di chiếu của vua Lý Thái Tổ mang quân cấm vệ dẹp “loạn tam vương”, giúp vua mới Lý Thái Tông ổn định triều chính, mà còn có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành hay quấy nhiễu phía Nam Đại Việt để xã tắc bình yên.

Lê Phụng Hiểu người làng Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hóa (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Hiện không rõ năm sinh, năm mất của ông (có tài liệu ghi ông sinh ngày 8 tháng giêng năm Nhâm Ngọ - 982). Ông không được đi học nhưng sớm nổi tiếng là đô vật có sức khỏe dị thường.

Minh họa: S.H

Trong sách trên có ghi lại câu chuyện kỳ thú về sức mạnh của ông như sau: Bấy giờ, 2 làng Cổ Bi và Đàm Xá nổ ra việc giành đất. Đàm Xá cậy đông, chiếm hẳn doi đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuộc về làng Cổ Bi. Ông đứng ra giúp làng Cổ Bi, được dân làng thết đãi bằng nhiều mâm cỗ to; ông ăn xong, ngủ một giấc no say. Khi dân làng Đàm Xá đến tranh đất, ông tỉnh dậy, nhổ cây bên đường làm vũ khí rồi xông ra đánh đám trai tráng làng Đàm Xá. Khiếp sợ trước sức khỏe của ông, dân làng Đàm Xá từ đó không dám ỷ thế cậy đông mà chèn ép làng Cổ Bi nữa.

Vua Lý Thái Tổ hay tin cho người mời ông vào kinh đô Thăng Long làm tướng, sau thăng dần lên chức Vũ vệ Tướng quân. Năm 1028, Thái Tổ mất, chưa tế táng xong thì 3 hoàng tử là Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của thái tử Phật Mã - người được vua di huấn nối ngôi. Thái tử Phật Mã biết là có biến, bèn sai người đóng hết các cửa điện, rồi bảo rằng: Ta đối với anh em không phụ bạc, nay 3 vương làm việc bất nghĩa như thế, quên di huấn của tiên đế muốn mưu chiếm ngôi báu, các ngươi nghĩ thế nào? Các quan cùng xin thái tử cho đem quân ra thành quyết được thua một trận.

Khi quân của thái tử và quân của các vương đối trận, ông khảng khái rút gươm ra chỉ vào Vũ Đức Vương mà rằng: Các người dòm ngó ngôi cao, khinh dễ tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này! Nói xong, ông xông vào chém chết Vũ Đức Vương. Thấy vậy, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương sợ quá bỏ trốn, quân của các vương vì thế mà tan rã. Dẹp xong loạn tam vương, thái tử Lý Phật Mã lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tông và thăng luôn cho ông lên chức Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu. Từ đó đến cuối đời, ông một lòng phò tá nhà Lý, lập được nhiều công trạng lớn, đánh đuổi Chiêm Thành, giữ vững ổn định cho Đại Việt bên trong cũng như bên ngoài.

Năm 1044, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, ông hộ giá nhà vua đi đánh giặc. Khi chiến thắng trở về, vua định ban thưởng chức tước, bổng lộc, nhưng ông khước từ, chỉ xin trèo lên núi Băng Sơn quê ông ném con đao lớn ra xa, nếu đao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp đến đó. Vua bằng lòng. Ông quăng đao xa hơn 10 dặm, rơi xuống tận làng Đa Mi, được vua ban ruộng đất trong tầm ném đó và tha khoản thuế phải nộp trên đất này. Từ đó, triều Lý đặt ra lệ “Thác đao điền” (ruộng ném đao) để thưởng công cho các đại thần.

Sau đó, ông còn nhiều lần cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành và đều chiến thắng mới trở về. Ông sống hết lòng trung thành với vua, biết điều gì có lợi cho dân, cho nước đều bàn với vua. Sau khi ông mất (thọ 77 tuổi), nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ông.

Tên tuổi và công trạng của ông không những được sử sách lưu danh mà còn được dân gian truyền tụng. Nhiều làng xã ở xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, nơi ông từng lưu lạc thuở nhỏ và đóng quân đánh giặc, đã thờ ông làm Thành hoàng, tiêu biểu là đền Hòa Đình. Hằng năm cứ đến mồng 6-2 âm lịch đền lại mở hội. Trong các trò chơi dân gian có tục thi vật để tưởng nhớ đến Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên đây thì Lê Phụng Hiểu quả là một đấng trung quân, mà vào thời ấy thì trung quân đồng nghĩa với ái quốc. Vì đức trung quân, ông sẵn sàng trừng trị đích đáng những kẻ phản loạn. Cũng vì đức trung quân, ông liên tiếp lập công, trở thành bậc dũng tướng của triều đại nhà Lý. Và thói đời từ xưa tới nay có không ít kẻ thất đức khi đã vươn tới đỉnh cao của công danh, thì dễ trở thành kẻ tham lam, chuyên chú vào việc vun vén cho gia đình, bản thân hơn là để tâm vào việc lo cho dân, cho nước. Nhưng với Lê Phụng Hiểu thì ngược lại. Khi đã lập công lớn, ông vẫn rất khiêm nhường, sức mình bao nhiêu thì chỉ xin thưởng bổng lộc là ruộng vườn bấy nhiêu. Nếu không phải là bậc có đại đức, một tài năng khiêm nhường và biết vì người khác thì ắt sẽ không phải là người như vậy.

Thời nào cũng thế, dân cần quan chính là ở chỗ đó. Thế mới hay rằng, một người có tài mà đem hết tài năng, trí lực của mình để một lòng phò vua, giúp nước thì quả là phúc của muôn dân. Nếu có được vị vua biết thành tâm trọng dụng người tài như Lê Phụng Hiểu, thì đó là đấng minh quân. Và vua Lý Thái Tông là người như vậy. Một khi đất nước có minh quân lại gặp hiền tài, rồi cả vua quan cùng một lòng vì xã tắc thì đó quả là đại phúc của trăm họ và giang sơn.

N.D

  • Từ khóa
109945

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu