Thứ 5, 25/04/2024 18:06:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:54, 19/05/2015 GMT+7

KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2015)

Trưởng thành từ học và làm theo Bác

Thứ 3, 19/05/2015 | 10:54:00 1,793 lượt xem
BP - 10 năm trước, Điểu Sơn (SN1976) khi đó là Phó chủ tịch UBND xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, là 1 trong 75 đảng viên được tuyên dương tuổi trẻ tiêu biểu nhân kỷ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 75 tuổi. Với 39 tuổi đời, 17 tuổi đảng, tại Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, Điểu Sơn vinh dự được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã dân tộc thiểu số biên giới có tuổi đời trẻ nhất tỉnh... Anh trưởng thành từ việc học và làm theo Bác.

 

Bí thư Đảng ủy Điểu Sơn nhận hoa chúc mừng đại hội của Bí thư Huyện ủy Trần Thị Ánh Tuyết

Tuổi thơ gian khó 

Tháng 11-2014, Phó chủ tịch UBND xã Lộc An Điểu Sơn được bầu vào Ban Thường vụ đảng ủy xã, rồi được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy xã thay đàn anh Điểu Bước nghỉ hưu, với 100% phiếu tín nhiệm. Ngày 27-3, Lộc An là xã điểm của tỉnh tổ chức đại hội đảng nhiệm kỳ 2015-2020, bầu trực tiếp ban chấp hành, ban thường vụ và các chức danh bí thư, phó bí thư. Điểu Sơn tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Lộc An với 98,68% phiếu bầu.

20 tuổi là cán bộ xã, 21 tuổi vào Đảng, 22 tuổi là Phó chủ tịch UBND xã. Thế nhưng ít ai biết rằng Điểu Sơn có tuổi học trò gian khó khi phải bỏ học giữa chừng để thay ba làm rẫy nuôi em. Là anh cả của 4 em, Điểu Sơn sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, người Xêtiêng ở quê hương theo Đảng bỏ dần tập tục du canh, du cư để định cư ổn định trên quê cha đất tổ, xây dựng cuộc sống mới. Điểu Sơn vẫn thường được nghe ba kể lại những ngày tham gia du kích xã, tiếp gạo cho bộ đội. Giải phóng về, ba Sơn là lớp cán bộ đầu tiên của xã Lộc An anh hùng.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Điểu Sơn là một trong những đứa trẻ may mắn ở Lộc An được gia đình “ưu tiên” cho đi học. Là học sinh tiểu học nhưng hàng ngày Sơn phải đi bộ hàng chục kilômét mới đến được trường. Nhưng Sơn thích đi học lắm, muốn được học. Sơn nghĩ rằng muốn giúp bản thân cũng như dân tộc Xêtiêng hết đói nghèo, làm giàu thì phải có tri thức. Năm 1989 học hết tiểu học, Sơn được các cô, chú lãnh đạo xã cho đi học ở Trường Mọi Nước (Sông Bé cũ) để đào tạo cán bộ nguồn. Được các cô, chú tin tưởng cử đi học và học cùng các anh, chị là cán bộ xã, cán bộ huyện thích lắm, tự hào lắm, Sơn càng phấn chấn chăm học.

Đi học ở Mọi Nước dù được Nhà nước nuôi nhưng đó là những năm bao cấp thiếu thốn. Nhiều bạn không chịu được khổ đã bỏ trường, bỏ lớp về nhà. Còn Sơn khổ mấy cũng chịu, miễn có tri thức để xóa được “đói chữ, đói tri thức” của người Xêtiêng. Năm 1996, Sơn đang dốc hết sức để học thật tốt lớp 7 thì nhận được tin sét đánh ba mất do tai nạn giao thông. Vậy là Sơn phải bỏ lớp trong nuối tiếc để về nhà cùng mẹ gánh vác việc nương rẫy nuôi 4 em còn tuổi đến trường. Thời gian này, ở Lộc An học được như Sơn đã quý và hiếm lắm. Là con em cán bộ xã nên các chú lãnh đạo không ngại nhận Sơn về làm cán bộ thuế, địa chính, rồi năm 1999 là Phó chủ tịch UBND xã. Hiện anh đã hoàn thành chương trình THPT, trung cấp chính trị và quản lý nhà nước, đang phấn đấu học đại học tại chức, cao cấp chính trị. 4 em nay đã trưởng thành, có nghề nghiệp, đều là cán bộ, bộ đội, công an.

Đoàn kết, tập trung dân chủ - phát huy sức mạnh của toàn đảng bộ

Đảng bộ Lộc An có 82 đảng viên, trong đó 36 người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Xêtiêng. Năm 2014, Lộc An còn 114 hộ nghèo, chiếm 6,35%, thu nhập bình quân 19 triệu đồng/người/năm, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 5/19 tiêu chí. 

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã đề ra chỉ tiêu thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4%; hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Khi là Phó chủ tịch UBND xã phụ trách xóa đói giảm nghèo và giáo dục, y tế, anh Sơn lo lắm: “Mình còn trẻ mà đây lại là nhiệm vụ chính của một xã vùng sâu, xa, biên giới có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Cả xã lúc này đường giao thông chỉ là những con đường mòn nhỏ đi tắt từ ấp này qua ấp khác. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%, chủ yếu là các hộ Xêtiêng. Trường học mới chỉ có cấp tiểu học và học sinh đến lớp lác đác, trong đó hơn 70% thất học. Khổ nhất vẫn là nhận thức của bà con, nhiều người đau ốm chỉ nằm nhà cúng ma rừng”.

Nắm bắt tình hình thực tế từ các khu dân cư, anh đã tham mưu Đảng ủy xã, phát động phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo và đưa vào nghị quyết thực hiện của Đảng ủy. Điểu Sơn tìm hiểu nguyên nhân đói, nghèo của từng nhà và vì lý do gì họ không cho con đi học. Với xóa đói giảm nghèo, anh dựa vào tiềm năng đất đai màu mỡ, phát động phong trào chuyển đổi cây trồng phù hợp, vận động các gia đình tham gia những lớp khuyến nông ở xã, từng bước nâng cao nhận thức giúp họ sản xuất hiệu quả. Ở Lộc An có nhiều trang trại của các hộ dân từ địa phương khác đến đầu tư, là điều kiện thuận lợi để giúp đồng bào dân tộc thiểu số học hỏi cách làm ăn. Điểu Sơn tham mưu cho lãnh đạo xã dựa vào các trang trại phối hợp giúp xã giải quyết lao động, vừa ủng hộ quỹ giúp cứu đói vừa giúp vốn hộ nghèo...

Tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết đã giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Lộc An phải là xã biên giới, dân tộc thiểu số đi đầu trong phát triển kinh tế, vững về quốc phòng và điển hình trong xây dựng nông thôn mới. “Lộc An sẽ phát huy truyền thống đoàn kết trong Đảng mà các thế hệ trước đã dày công xây dựng. Tôi sẽ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các đảng viên. Bàn bạc trong Đảng các vấn đề nổi cộm để có giải pháp giải quyết, đồng thời thống nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh từng tháng, từng quý và cả năm phù hợp với thực tiễn” - Bí thư Đảng ủy Điểu Sơn chia sẻ.

Phương Thảo

 

  • Từ khóa
13143

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu