Thứ 6, 19/04/2024 14:56:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:02, 19/03/2019 GMT+7

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu: Gian khó nhưng vẫn thi đua dạy tốt, học tốt

Thứ 3, 19/03/2019 | 06:02:00 3,335 lượt xem
BP - Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đường 10) là ngôi trường vùng sâu, xa của huyện Bù Đăng với phần đông học sinh dân tộc thiểu số, con em hộ nghèo, khó khăn. Trường được xây dựng gần 20 năm nhưng do ít được quan tâm đầu tư tu sửa, trang bị nên hiện cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số học sinh.

Phòng học xuống cấp

Thầy Phạm Bá Quân, Hiệu phó trường cho biết: Trường được Công ty sữa cô gái Hà Lan đầu tư xây dựng từ những năm 2000-2001 với 19 phòng học cấp 4; trong đó, điểm chính (thôn 1) 15 phòng, 1 phòng ở điểm lẻ đội 4 (thôn 5) và 3 phòng ở điểm lẻ Đắk Ma. Tại điểm chính, các phòng học xuống cấp trầm trọng, ngói, rui, mè, đòn tay mục nát nên vừa qua huyện đầu tư lợp tôn 3 phòng, số còn lại được đầu tư đóng trần tôn. Còn các phòng giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, vi tính, hội đồng sư phạm, nhà để xe... đều chưa có. Để có phòng làm việc và hoạt động, những năm qua trường đã vận động xã hội hóa xây dựng 3 phòng tạm bằng tôn làm phòng thư viện, thiết bị, truyền thống đội. Điểm chính có diện tích hơn 9.000m2, trong đó mặt trước đã có cổng, hàng rào nhưng 3 mặt còn lại chỉ chắn tạm bằng kẽm gai. Điểm Đắk Ma, ngoài 3 phòng cấp 4 được xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp, trường vận động xã hội hóa dựng 3 phòng học tôn tạm. Ngoài ra, cổng điểm trường và nhà vệ sinh cũng đang làm tạm; hàng rào xung quanh là lưới B40. Điểm lẻ đội 4, ngoài 2 phòng học cấp 4 mới được UBND huyện đầu tư xây dựng, ở đây còn 1 phòng học cũ xuống cấp cần được sửa chữa hoặc thay thế.

Học sinh lớp 2A2, Trường tiểu học Võ Thị Sáu trong giờ học

Năm học 2017-2018, trường vận động nguồn đóng góp tự nguyện của phụ huynh được hơn 180 triệu đồng đổ bê tông khu vực cổng và sân trường với diện tích 400m2; sửa chữa 8 phòng vệ sinh, gia cố chân móng 15 phòng học tại điểm chính; đổ bê tông sân điểm trường Đắk Ma với diện tích 557m2; làm cổng và bảng tên trường điểm đội 4. “Để đảm bảo công tác dạy học, nâng cao chất lượng, ổn định duy trì sĩ số, từng bước xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường kiến nghị huyện đầu tư xây mới ở điểm chính để thay thế các phòng học cấp 4 quá hạn sử dụng từ lâu. Đồng thời tu sửa, nâng cấp phòng học cũ và xây mới để thay thế phòng học tạm, cổng, hàng rào, nhà vệ sinh tại các điểm lẻ. Song song đó đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, bàn ghế đồng bộ cho học sinh” - thầy Quân nói.

luôn Hết lòng vì học sinh thân yêu

Năm học 2018-2019, trường có 667 học sinh/26 lớp, trong đó 54,6% em là đồng bào dân tộc thiểu số, 124 em thuộc hộ nghèo. Nhằm giúp các em vươn lên học tập tốt, ngoài vận động giáo viên đóng góp hỗ trợ 1 học sinh mồ côi và 1 đối tượng bị bại liệt trên địa bàn mỗi tháng 250 ngàn đồng/đối tượng, nhà trường còn vận động giáo viên và học sinh quyên góp mua sắm quần áo, dụng cụ học tập, quà để đỡ đầu ít nhất 2 học sinh nghèo/lớp.

Cô Hà Thị Tuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A2 chia sẻ: Học sinh của lớp phần lớn người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng bù lại các em rất ngoan hiền, chăm học, tích cực tham gia hoạt động của lớp, trường. Hằng ngày nhìn những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của học sinh khiến những người làm nghề “gieo chữ” không khỏi xúc động, vì thế chúng tôi tìm mọi cách để chia sẻ khó khăn với các em. Để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, ngoài ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, mỗi tiết dạy tôi đều lồng ghép kể mẩu chuyện hài hước, hấp dẫn, gương người tốt, việc tốt nhằm thu hút sự chú ý học tập của các em. Đồng thời luôn tạo tâm lý thoải mái, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, biết các em thiếu gì, cần gì để vận động hỗ trợ. Những ngày đầu năm học, từ chỗ đồng phục, dụng cụ học tập thiếu, chỉ sau một thời gian ngắn tìm hiểu và vận động, các em đã được quan tâm hỗ trợ đủ đầy. Đặc biệt, lớp có 2 học sinh khó khăn nhà ở xa trường, nhằm giúp các em có được bữa cơm trưa để ở lại học buổi chiều, cô đã vận động chị phục vụ trường nấu ăn miễn phí.

Trường hiện có 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 35 giáo viên đứng lớp. Phần lớn giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, năng động, nhiệt huyết với nghề; 100% giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy, các giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu còn việc quan trọng khác là vận động học sinh ra lớp. Mỗi ngày lên lớp, công việc đầu tiên của thầy cô là kiểm tra sĩ số, nếu có học sinh vắng không lý do lập tức tìm hiểu nguyên nhân và tìm mọi giải pháp vận động bằng được các em đến lớp.

Với sự quyết tâm cao, nhiều năm qua Trường tiểu học Võ Thị Sáu không có học sinh bỏ học; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%; nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến. Và dù còn nhiều khó khăn nhưng các phong trào thi đua đều được trường đẩy mạnh, thành tích năm sau cao hơn năm trước.                                       

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
2226

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu