Thứ 7, 20/04/2024 16:17:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:13, 25/04/2015 GMT+7

Truyền hình trả tiền: Vẫn nửa nạc nửa mỡ

Thứ 7, 25/04/2015 | 09:13:00 291 lượt xem
BPO - Nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) nói rằng khi đăng ký các gói kênh THTT, họ được xem nhiều kênh hơn so với truyền hình công ích (còn gọi là truyền hình miễn phí), nhưng số lượng kênh “xứng đáng để coi” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể chất lượng, số lượng kênh cứ giảm dần theo thời gian.

Tại hội nghị quốc tế về “Cơ hội phát triển THTT Việt Nam” (tổ chức vào tháng 9-2014, tại Hà Nội), chủ tịch hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương (CASBA) Marcel Fenez nhận xét, trong vài năm trở lại đây, thị trường THTT Việt Nam đã có thay đổi.

Nhận xét trên không sai ở góc nhìn của một chuyên gia nước ngoài. Nhưng nếu Marcel Fenez là khách hàng sử dụng dịch vụ THTT ở Việt Nam, ông đã có những đánh giá khác.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chưa dám thu đúng giá?

Tại những hội nghị về dịch vụ THTT, các nhà kinh doanh cho rằng với giá trị đồng tiền Việt Nam hiện tại, giá cước hiện nay của dịch vụ này quá rẻ so với nhiều dịch vụ nội dung kỹ thuật số khác, thậm chí kể cả dịch vụ di động!

Giá của SCTV dao động từ 70.000 – 110.000 đồng/tivi/tháng. Truyền hình An Viên có hai gói dịch vụ THTT: gói truyền hình số mặt đất có hai mức cước: 20.000đ và 50.000 đồng/tháng (tuỳ theo gói cước cơ bản hay cao cấp) và gói truyền hình vệ tinh cũng có hai mức cước: 66.000 đồng/tháng (gói cơ bản) và 88.000 đồng/tháng (gói cao cấp).

HTVC có nhiều mức cước tuỳ theo khu vực và gói cước, dao động từ 50.000 – 99.000 đồng/tháng. K+ có hai gói cước: gói Access+ có giá 95.000 đồng/tháng, còn gói Premium+ có giá 230.000 đồng/tháng… Mức cước trên là số tiền mà khách hàng phải trả hàng tháng, còn ban đầu phải trả thêm tuỳ theo chọn thiết bị phát hình tiêu chuẩn (SD) hay độ phân giải cao (HD), phí lắp đặt…

Nên phải bán đồ dở

Chỉ trừ một vài nhà cung cấp dịch vụ THTT như K+, VTC… có đầu tư những chương trình riêng hoặc mua bản quyền một số chương trình, phim, trò chơi hấp dẫn của nước ngoài để phục vụ khách hàng đang sử dụng và lôi kéo khách hàng mới. Phần còn lại, nhiều nhà cung cấp dịch vụ THTT đã “xào và trộn” các kênh truyền hình có sẵn, chủ yếu là các kênh địa phương để chiêu dụ khách hàng.

Một hiện tượng cũng làm nhiều khách hàng bức xúc đó là chuyện “phát đi phát lại” nhiều tựa phim, nhiều chương trình giải trí… Ông Tuấn Khôi (Thủ Đức, TP HCM) tỏ vẻ bực bội: “Có nhiều bộ phim phát đi phát lại đến hàng chục lần. Như vậy là không tôn trọng khách hàng”.

Trên thực tế, số lượng kênh thì nhiều nhưng lại ít kênh đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bà Huỳnh Ngọc Hà (quận 1, TP HCM) cho biết: SCTV hiện nay thu 110.000đ/tháng với số lượng khoảng 80 kênh nhưng “Tôi chỉ chọn khoảng mười kênh, đó là: VTV1/3/6, HTV7/9, SCTV15, BDTV, TTTV, SCTV14…

Họ đưa ra số lượng kênh thật nhiều để dụ dỗ khách hàng, vì họ thừa biết có những kênh khách hàng không bao giờ đụng đến vì không có nhu cầu phải xem. Tôi không cần nhiều, chỉ cần các nhà cung cấp dịch vụ có những khảo sát nhu cầu sử dụng khách hàng để có những gói sản phẩm tương ứng”.

Còn ông Nguyễn Quang (Gò Vấp, TP HCM) cũng cho rằng, gói nào cũng có 50 – 70 kênh nhưng chỉ có vài kênh đáng xem, như: HBO, Star Movies, Cinemax, các kênh thời sự của TP HCM (HTV 7/9) và quốc gia (VTV 1/2/3/6/9). “Mấy chục kênh còn lại chỉ vẽ rắn thêm chân, chẳng mấy ai muốn xem”.

Cũng theo ông Quang, giải pháp phù hợp nhất hiện nay là nghiên cứu hình thức “coi kênh nào trả tiền kênh đó”, như các hình thức mà các nhà mạng di động đang áp dụng hình thức “gọi phút nào tính tiền phút đó” theo hình thức trả trước hoặc trả sau.

“Mỗi người một sở thích coi nội dung truyền hình. Với tôi, cứ mở kênh nào thấy phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… là chuyển kênh. Vậy nhiều kênh để làm gì. Cứ áp dụng hình thức coi kênh nào trả tiền kênh đó. Vấn đề là các nhà cung cấp dịch vụ cần nghiên cứu giải pháp thu tiền cho chính xác” - ông Văn Lê (Bình Thạnh, TP HCM) đề xuất. Đem câu hỏi này khảo sát nhiều khách hàng, họ đồng ý.

Thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ trả tiền.Thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ trả tiền.

Nhưng phí cao đâu dễ có người xem

“Với mức giá như hiện nay, khó có thể đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu xem của các chủ thuê bao được”, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ THTT nói với phóng viên Thế Giới Tiếp Thị. Ông Lê Đình Cường, tổng thư ký VNPayTV, cũng xác nhận thuê bao THTT Việt Nam hiện nay được xem là rẻ nhất trong các quốc gia của khu vực Đông Nam Á và có thể là trên thế giới.

Theo khảo sát của VNPayTV, chỉ số ARPU (doanh thu trên một thuê bao/tháng) của THTT Việt Nam chỉ khoảng 5 USD, trong khi đó, chỉ số ARPU của Singapore là 32 USD, Malaysia – 30 USD, Indonesia, Thái Lan – 11 USD, Philippines – 10 USD…

Nhưng liệu “nội dung hay mà giá cao, người dùng có chấp nhận hay không?” là điều mà ông Cao Văn Liết, nguyên tổng giám đốc VSTV – K+ trăn trở. Theo đánh giá của nhiều người dùng, K+ là dịch vụ THTT hay nhất, có nhiều nội dung mới, hấp dẫn.

Đầu năm 2015, K+ đã có những nội dung mới, như hợp tác với hãng RTL-CBS để cung cấp những bộ phim truyền hình dài tập, những chương trình giải trí truyền hình mới như: UK X-Factor, America’s Got Talent, ảo thuật với huyền thoại Chris Angel, quán quân Australia Got’s Talent Cosentino… Nhưng với giá thuê bao 95.000 đồng/tháng (gói Access+) và 230.000 đồng/tháng (gói Premium+), mức độ phát triển thuê bao mới không như kỳ vọng của nhà khai thác này. Hiện nay K+ ước chừng có khoảng 700.000 thuê bao.

Trong khi đó, để sử dụng hạ tầng ở mức tối thiểu, các nhà khai thác dịch vụ THTT lại cạnh tranh nhau ở mức độ “khủng khiếp”: 20.000 đồng/tháng cho gói cơ bản của truyền hình An Viên – AVG, có tới bảy kênh HD! VTVCab tặng sữa hoặc bia cho những khu vực mới phủ cáp như Long An, Bình Dương… kèm theo miễn phí công lắp đặt hoặc tặng thêm thời gian sử dụng nếu khách hàng đóng cước trước.

Và cũng chưa ở đâu như Việt Nam, khi các nhà cung cấp dịch vụ THTT có hình thức “tranh giành khách hàng” bằng chiêu giảm giá cho những khách hàng nào “chuyển đổi dịch vụ”, thực chất là chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ. Những thông tin này được đăng công khai trên các tờ rơi và cả trang web của VTVCab, HTVC…

Dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam đang có dấu hiệu thoái trào. Nhiều nhà khai thác đang tính lại bài toán kinh doanh, từ nội dung đến giá cước. Viettel, FPT hồi cuối năm 2014 cũng khá mạnh miệng khi tuyên bố nhảy vào khai thác dịch vụ THTT trên nền tảng cáp, nhưng đến nay không thấy nhắc tới chuyện này nữa. Hỏi chuyện này, họ đánh bài lờ…

Theo số liệu thống kê vào cuối năm 2014, Việt Nam có 180 kênh truyền hình và phát thanh công ích, 40 kênh truyền hình nước ngoài, năm doanh nghiệp khai thác công nghệ truyền hình số mặt đất, ba nhà cung cấp dịch vụ THTT bằng phương thức truyền dẫn vệ tinh, 27 nhà cung cấp dịch vụ THTT bằng cáp.

Tính đến cuối năm 2014, theo số liệu thống kê của hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), dịch vụ THTT tại thị trường Việt Nam khoảng 7,5 triệu thuê bao với doanh thu ước chừng 10.000 tỉ đồng…

Nguồn: Cục Phát thanh và truyền hình (bộ Thông tin và truyền thông)

Nguồn NLĐ

  • Từ khóa
38592

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu