Thứ 5, 02/05/2024 04:49:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:30, 25/04/2019 GMT+7

Truyện Phương Hoa

Thứ 5, 25/04/2019 | 13:30:00 2,090 lượt xem

BP - Truyện thơ Nôm là một hiện tượng văn học, văn hóa độc đáo của dân tộc ta. Loại hình văn chương này có lịch sử phát triển khoảng 4 thế kỷ (từ khoảng thế kỷ XVI-XIX) và đạt được thành tựu rực rỡ nhất ở giai đoạn thế kỷ XVIII đến nửa đầu XIX. Truyện thơ Nôm là loại hình tự sự bằng thơ dùng văn tự Nôm, phản ánh cuộc sống xã hội thông qua sự trình bày, miêu tả có tính chất hoàn chỉnh vận mệnh, tính cách nhân vật bằng một cốt truyện với hệ thống biến cố và sự kiện.

Trong di sản văn học dân tộc, truyện thơ Nôm chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, lại giàu tính đặc trưng của văn học và văn hóa Việt Nam. Truyện thơ Nôm Phương Hoa là một minh chứng. Truyện có một số dị bản nhưng tất cả đều dựa theo truyền thuyết dân gian về nàng Phương Hoa giả nam đi thi đỗ tiến sĩ để minh oan cho hôn phu là Cảnh Yên. Và cho đến ngày nay, chưa nhà nghiên cứu nào xác định được Phương Hoa là người có thực hay chỉ là một nhân vật trong truyện Nôm. Còn theo truyền văn và có cả di tích thực địa thì ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa có họ Trần, ở huyện Hoằng Hóa có họ Tào, ở Thạch Bàn có mả Thị Trinh. Nhưng sử sách lại không thấy ghi về việc này.

Nhưng dù sao Phương Hoa vẫn được nhân dân Thanh Hóa nói riêng và vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung qua các thế hệ chấp nhận. Phương ngôn có câu: “Văn như Phương Hoa, võ như Triệu Ẩu”, luôn luôn là khẩu hiệu động viên, một sự tự hào. Theo nội dung cốt truyện còn lưu lại đến ngày nay, Phương Hoa là con gái quan Ngự sử Trần Điện và Cảnh Yên là con trai quan Thượng thư Trương Đài, đôi bên đã cùng nhau đính ước. Viên quan họ Tào (Tào trung úy), một gian thần được vua tin dùng, thấy Phương Hoa là người tài sắc bèn đến hỏi làm vợ. Vì bị Trần Điện từ chối không gả con gái cho nên y bèn giả mạo chiếu chỉ nhà vua khép Trương Đài vào tội “vong thần mại quốc”. Sau đó, họ Tào kia đã giết ông rồi còn chiếm đoạt hết tài sản. Hai anh em Cảnh Tỉnh, Cảnh Yên đưa mẹ chạy về vùng đất Thạch Thành và giả làm tăng ni để lánh nạn. Được 1 tháng sau, người vợ của Cảnh Tỉnh sinh Tiểu Thanh rồi lâm bệnh mất.

7 năm sau, tới kỳ “đại khoa”, vợ Trương Đài dẫn con cháu trở về quê. Dọc đường, họ dừng nghỉ ở Lôi Dương. Lúc này, Phương Hoa vẫn một lòng thương nhớ và chờ đợi Cảnh Yên. Tình cờ, nàng gặp Tiểu Thanh rồi đưa về nhà nhận làm con nuôi. Nhờ đó, nàng biết được tình cảnh gia đình họ Trương. Thông qua Tiểu Thanh, Phương Hoa hẹn Cảnh Yên vào đúng canh ba đến đợi ở góc vườn hoa sẽ có người tới trao áo quần và tiền bạc. Không may việc bị lộ, tên gian là Hồ Nghi lẻn tới chỗ hẹn giết chết Thị Liễu là người tớ gái của Phương Hoa để cướp của. Khi Cảnh Yên tới nơi vô tình giẫm phải người chết, máu lấm khắp người. Ngự sử Trần Điện hay tin người tớ gái bị giết, bèn hạ lệnh truy tìm hung thủ. Lần theo dấu máu, Cảnh Yên bị bắt giam chờ ngày xét xử. Quá đau xót, mẹ Cảnh Yên sinh bệnh rồi mất. Phương Hoa thay Cảnh Yên lo việc chôn cất chu đáo, rồi xin cha mẹ được lên kinh đô bán hàng, nhưng sự thật là để tìm cách cứu Cảnh Yên.

Ở kinh đô, Phương Hoa ngày đêm luyện văn chương, tới kỳ “đại khoa”, Phương Hoa lấy tên Cảnh Yên dự thi. Nàng đỗ tiến sĩ, được vua gọi vào chầu. Giữa triều đình, Phương Hoa tấu trình nỗi oan ức của gia đình họ Trương. Sau khi nhà vua rõ mọi chuyện, Tào trung úy và Hồ Nghi bị xử chém, gia đình họ Trương được minh oan. Ra khỏi nhà lao, Cảnh Yên làm bài văn sách do vua ra đề. Xét văn, chàng được đặc cách đỗ tiến sĩ cùng khoa với Phương Hoa. Gặp lại nhau, Cảnh Yên và Phương Hoa chính thức trở thành vợ chồng. Kết thúc tác phẩm là cảnh vợ chồng cùng nhau về bái tổ vinh quy.

Đây là câu chuyện có chủ đề luân lý, thể hiện quan niệm thiện - ác, thiên địa tuần hoàn, bĩ cực thái lai. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa nữa trong hình tượng Phương Hoa là người con gái đáng yêu mang bản sắc Việt Nam thật sinh động, sâu sắc. Một người phụ nữ cải trang nam giới để đua tài giữa trường đời quả là đáng phục.

Lời bàn:

Người ta sống ở đời phải trung hiếu tiết nghĩa. Nàng Phương Hoa trong truyện thơ Nôm Phương Hoa là hiện thân của cái luân lý cổ điển ấy, dù cảnh đời có thay đổi điên đảo... truyện Phương Hoa thể hiện cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa... Nét đặc sắc của nó so với các truyện Nôm khác là quá trình chiến thắng hoàn toàn dựa vào tài trí thông minh và phẩm hạnh của một người con gái. Thông qua chủ đề thiện thắng ác, tác giả tố cáo những thế lực tàn bạo trong xã hội phong kiến đã chà đạp lên hạnh phúc, quyền sống của con người và khẳng định vị trí xứng đáng của người phụ nữ.

Ở hầu hết các kết thúc của truyện Nôm, những nạn nhân bao giờ cũng thắng lợi, nhưng thắng lợi ấy không nhiều thì ít đều có sự giúp đỡ của lực lượng siêu nhiên thần bí. Còn ở Phương Hoa, vấn đề lại là thắng lợi không tự nhiên mà đến và cũng không thần thánh nào đem thắng lợi đến. Chỉ là con người phải tự hành động, phải biết tổ chức cho thắng lợi tới gần. Nét đặc sắc của truyện còn ở chỗ nhân vật Phương Hoa là hiện thân về tấm lòng thủy chung, son sắt hiếm có ở đời. Phương Hoa đã vượt lên trên tất cả mọi thử thách gay go. Hành động của Phương Hoa cũng không phải vì thanh danh, nền nếp của nhà họ Trần. So với những con người tiết hạnh xưa nay, Phương Hoa đã vượt quá xa, bóng trùm lên tất cả. 

N.D

  • Từ khóa
110175

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu