Thứ 6, 26/04/2024 01:09:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:43, 08/04/2016 GMT+7

Truyền thuyết về một vị vua

Thứ 6, 08/04/2016 | 09:43:00 3,683 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ là vị vua sáng lập nhà Lý. Ông trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028. Lý Công Uẩn sinh ngày 12-2 năm Giáp Tuất, tức ngày 8-3-974, tại cửa tam quan của chùa Dận. Khi sinh ra, ông đã không có cha, chỉ biết rằng mẹ là bà Phạm Thị nhưng sau khi sinh ông thì chết.

Theo truyền thuyết, cha của Lý Công Uẩn là người nghèo, đi làm thuê ở chùa Tiên Sơn (An Phong, Bắc Ninh) phải lòng một tiểu nữ, làm nàng có thai. Nhà chùa thấy thế đuổi đi, vợ chồng dẫn nhau đi đến một khu rừng, mệt mỏi ngồi nghỉ. Người chồng khát nước, liền đến cái giếng giữa rừng uống, sảy chân chết đuối. Người vợ đến nơi thì giếng đã lấp, không còn chỗ để đi liền đến xin tá túc ở chùa Ứng Tâm (chùa Dận) gần đó. Thấy người vợ đến, sư trụ trì chùa liền đón tiếp nhiệt tình bởi trước đó, ông đã được thần báo mộng: Ngày mai dọn chùa cho sạch để đón hoàng đế đến.

Tuy nhiên lại có thuyết khác nói rằng, ông là con của nhà sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp. Theo thuyết này, mẹ ông là một bà góa chồng đến làm thuê ở chùa Cổ Pháp, sau đó đi lại với trụ trì chùa là Lý Khánh Văn rồi mang thai. Khi biết Phạm Thị mang thai, Lý Khánh Văn đuổi bà đi nơi khác. Sau khi sinh con, bà bọc con trong manh áo cũ rồi bỏ ngoài cửa tam quan chùa. Nghe tiếng khóc, Lý Khánh Văn ra nhặt đem vào nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn. Thế nên lúc bấy giờ trong dân gian mới có câu ca dao châm biếm nhẹ nhàng nhà sư Lý Khánh Văn rằng: Con ai đem bỏ chùa này. Nam mô di phật con thầy, thầy nuôi.

Trên đây chỉ là những tích xưa giải thích về sự xuất hiện của vĩ nhân Lý Công Uẩn. Cho đến nay, chưa có ai tìm được đáp án chính xác cho nguồn gốc xuất thân của vị vĩ nhân này. Chỉ biết rằng đây là người mở đầu cho triều đại nhà Lý, một triều đại hùng cường của quốc gia Đại Việt vững mạnh hơn hai thế kỷ XI - XIII và là người có công lớn trong việc chuyển kinh thành từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội).

Sinh ra không có cha lại vừa mất mẹ nên ông nhận được tình yêu thương và dạy dỗ hết lòng của người cha nuôi Lý Khánh Văn. Mới 6 tuổi, Lý Công Uẩn đã tinh thông khá nhiều sách vở, được coi là chú bé thông minh, khôi ngô, tuấn tú và khá rắn rỏi. Thế nhưng, ngoài sự thông minh ấy, Lý Công Uẩn lại là một cậu bé vô cùng tinh nghịch và mải chơi. Có lần, cha nuôi sai cậu đem oản lên cúng Hộ Pháp, thay vì thành tâm vâng lời, chú liền khoét oản ăn trước. Đến đêm, Hộ Pháp báo mộng cho Lý Khánh Văn biết khiến cậu bị cha nuôi mắng. Tức giận, Lý Công Uẩn lên chùa đánh cho Hộ Pháp ba cẳng tay, sau đó viết vào sau lưng pho tượng mấy chữ: Đày ba ngàn dặm.

Đêm hôm ấy, Lý Khánh Văn lại thấy Hộ Pháp đến báo mộng với vẻ mặt buồn rầu và ngỏ lời từ biệt: Hoàng đế đã đày tôi đi xa, xin có lời chào ông. Sáng hôm sau, Lý Khánh Văn lên chùa xem pho tượng thì thấy sau lưng quả nhiên có mấy chữ “Đồ tam thiên lý” thật. Ông liền sai chú tiểu lấy nước rửa nhưng không sao rửa sạch. Cuối cùng, ông phải bảo Lý Công Uẩn vào rửa thì chú bé chỉ lấy ngón tay xoa xoa là sạch ngay.Lớn thêm chút nữa, Lý Công Uẩn vẫn không thay đổi tính nết là bao. Thay vì phải chăm chỉ học hành, cậu bé Công Uẩn lại chỉ ham chơi và luôn tìm cách trốn học. Ngày ấy, khi được gửi sang chùa Tiêu Sơn của thiền sư Vạn Hạnh (anh trai Lý Khánh Văn) để học văn học và tài kinh luân của thầy, Lý Công Uẩn luôn tỏ rõ sự thông minh và nghịch ngợm của mình trong mọi hoàn cảnh. Đến cả khi bị trói ở cổng tam quan, cậu vẫn tức cảnh làm thơ rằng: Thiên vi khâm chầm địa vị thiên/ Nhật nguyệt đồng song đốt ngã miên/ Dạ thâm bất cảm trăng thân túc/ Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên.

Bài thơ này dịch nghĩa là: Trời làm màn gối, đất làm chăn/ Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên/ Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng. Nghe xong bài thơ này, nhà sư Vạn Hạnh biết cậu có khí chất đế vương nên ra sức dạy dỗ và lo toan cho Công Uẩn làm nên sự nghiệp lớn.

Lời bàn:

Lý Công Uẩn tức vua Lý Thái Tổ là một trong những vị vua mà cuộc đời được bao phủ khá nhiều giai thoại huyền ảo với những tình tiết li kỳ, thú vị, nhất là về thân thế. Ông được tôn lên làm vua vào năm Kỷ Dậu (1009) và là người đã mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nước Đại Việt trên nhiều phương diện, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết về ông như sau: Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thì mở vận, là người khoan từ nhân thứ, tính tình ôn nhã, có lượng đế vương.

Tuy nhiên, điều mà người đương thời cũng như hậu thế hôm nay và mãi mãi về sau phải thừa nhận rằng, với vai trò là vị vua đầu tiên khai sáng ra triều đại nhà Lý, Lý Thái Tổ đã làm tròn trách nhiệm người công dân đối với đất nước, một người phật tử đối với đạo Pháp. Chính ông là đứa con dân tộc được kết tinh từ dòng máu đạo pháp và dân tộc để rồi lịch sử đã giao cho Lý Thái Tổ cái quyền tối hậu khai sáng ra triều đại nhà Lý vững chắc và thịnh vượng ngự trị hơn 200 năm nhờ thực thi tinh thần Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

ND

  • Từ khóa
109779

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu