Thứ 7, 20/04/2024 00:46:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:03, 23/04/2015 GMT+7

Từ chối chữa cho bệnh nhân là vi hiến

Thứ 5, 23/04/2015 | 15:03:00 235 lượt xem
BP - Ngày 18-4-2015, báo điện tử Người Đưa Tin của Hội Luật gia Việt Nam có đăng bài “Bác sĩ từ chối mổ vì biết bệnh nhân là người viết báo” của tác giả Xuân Hồng. Nội dung bài báo cho biết:

Bạn đọc tên Trang vừa có đơn gửi báo điện tử Người Đưa Tin, lên án vấn đề y đức và tố cáo những việc làm bất thường của ông Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Trước đó, vì thấy bụng có triệu chứng khác thường nên đã đến phòng khám theo yêu cầu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương (số 56, phố Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) để kiểm tra sức khỏe. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ cho biết, Trang có khối u ở ổ bụng phải được chỉ định phẫu thuật. Người thăm khám là bác sĩ Phạm Thanh Nga, đưa bệnh nhân gặp PSG.TS Vũ Bá Quyết và giới thiệu ông Quyết là bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực phẫu thuật sản phụ khoa ở Việt Nam.

Chiều 20-3-2015, ông Quyết nói chuyện với bệnh nhân về bệnh lý và phương pháp mổ nội soi bóc tách khối u. Ông yêu cầu Trang và người thân sắp xếp thời gian tiến hành phẫu thuật và lịch mổ được sắp xếp xong trong ngày. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ, hỏi về lý lịch bệnh nhân, ông Quyết phát hiện Trang đã từng cộng tác viết báo nên từ chối mổ...Mặc dù bệnh nhân Trang đã cố giải thích rằng mình là sinh viên, tranh thủ cộng tác viết báo, chứ chưa phải là phóng viên, nhưng ông Quyết vẫn đẩy bệnh nhân ra khỏi phòng và nói: “Tôi có thể mổ cho bất cứ trường hợp nào, còn báo chí thì không bao giờ”. Sau khi nhận được nội dung tố cáo, phóng viên Báo “Người Đưa Tin” đã liên hệ qua điện thoại với PGS.TS Vũ Bá Quyết. Và ông Quyết một lần nữa tuyên bố: “Báo chí các người có quyền viết, còn tôi có quyền không mổ”. Sau khi bị bác sĩ Quyết từ chối mổ, bệnh nhân Trang đã được chuyển qua phẫu thuật ở một bệnh viện khác tại Hà Nội.

Với ai thì không biết, còn với tôi khi đọc xong bài báo trên thì bất ngờ đến ngỡ ngàng... và sau đó là những giây phút buồn lo... Bởi nghề y là nghề cao quý, một nghề luôn được xã hội trọng vọng bởi kiến thức và công sức đóng góp cho cộng đồng. Và chính vì vậy mà xã hội đã tôn vinh họ là “người mẹ hiền” thứ hai những khi mình ốm đau. Hơn nữa, truyền thống ngàn đời của người Việt Nam là “cứu một mạng người còn hơn xây chín tầng phù đồ”. Không hiểu vì sao một bác sĩ là người đứng đầu một bệnh viện ở trung ương, người có đủ học hàm, học vị là phó giáo sư, tiến sĩ lại có hành vi đáng lên án đến vậy? Và chỉ với hành động cùng lời nói của ông Quyết với bệnh nhân và nhà báo như trên cũng đã quá đủ để xã hội hiểu rõ đạo đức của ông này. Và chắc chắn rằng trong xã hội có không ít người đồng tình rằng, ông Quyết không còn đủ tư cách và đạo đức để khoác trên mình chiếc áo blouse.

Còn xét về góc độ pháp lý, hành vi chối mổ cho bệnh nhân với lý do đó là nhà báo là vi phạm pháp luật. Bởi tại Khoản 1, Điều 38 của Hiến pháp 2013 có quy định: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Và điều này cũng có nghĩa là dù bệnh nhân đó là ai, làm nghề gì trong xã hội đều được quyền bình đẳng trong khám chữa bệnh.

Vậy hành vi của ông Quyết sẽ bị xử lý như thế nào? Cụ thể, đối với những hành vi vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám, chữa bệnh được quy định trong Khoản 2, Điều 28 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không tôn trọng quyền của người bệnh theo quy định của pháp luật. Và đối với trường hợp trên, nếu gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác còn có thể bị xử lý hình sự.

Dư luận đang chờ sự xác minh về lời từ chối của bác sĩ Quyết từ Bộ Y tế... Nếu đúng sự thật thì ông Quyết không chỉ bị phạt hành chính, bị xử lý kỷ luật... mà còn thân bại danh liệt.     

V.B

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu