Thứ 4, 24/04/2024 05:01:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 16:03, 03/06/2015 GMT+7

Từ dự Luật trưng cầu ý dân nghĩ về dân chủ ở địa phương

Thứ 4, 03/06/2015 | 16:03:00 94 lượt xem

BP - Dự thảo Luật trưng cầu ý dân đã được Hội Luật gia Việt Nam trình ra Quốc hội vào sáng 28-5. Theo dự thảo luật, Quốc hội sẽ quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Việc xây dựng dự án Luật trưng cầu ý dân nhằm cụ thể hóa các điều khoản được ghi trong Hiến pháp năm 2013, khẳng định quyền dân chủ trực tiếp của công dân, đồng thời thể hiện rõ tư tưởng trọng dân, tin dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Dõi theo hoạt động tại diễn đàn Quốc hội, nghe các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích trên nghị trường, nhiều cử tri càng hiểu thêm tầm quan trọng của luật này. Bởi đây là hình thức dân chủ trực tiếp, trong đó nhân dân được trực tiếp quyết định các vấn đề của Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Từ việc Quốc hội đang xây dựng Luật trưng cầu ý dân, cử tri nghĩ đến vấn đề dân chủ trực tiếp ở địa phương trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, đã có một số chính sách được xây dựng từ sự chủ quan của một vài lãnh đạo hay bộ phận tham mưu chứ không phải từ thực tiễn, không được kiểm nghiệm đầy đủ, không xin ý kiến nhân dân, không tham vấn các nhà chuyên môn. Có thể ví dụ như việc chặt cây xanh ở Hà Nội, lấn sông Đồng Nai, nhà máy gây ô nhiễm môi trường... và một số dự án lớn khác. Đã có nhiều bài học về sự không lấy ý kiến người dân, dẫn đến những con đường đi qua khu dân cư bị ách tắc, hay những dự án treo hàng chục năm, trong khi dân không còn đất canh tác... Dự án, chương trình nào ảnh hưởng đến cuộc sống, việc làm của người dân thì rất cần xin ý kiến của họ, cũng như việc trọng đại quốc gia thì phải trưng cầu ý dân. Đó là thể hiện việc làm của xã hội dân chủ mà Hiến pháp đã khẳng định. Cơ quan công quyền sinh ra để phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng nhưng khi làm việc lại “quên”, thậm chí còn phớt lờ ý kiến của người dân, đây là điều không thể chấp nhận được.

Từ đó cho thấy, khi được cấp dưới trình lên một chính sách, việc đầu tiên người lãnh đạo cần phải làm là xem đã lấy ý kiến người dân và giới chuyên môn chưa. Phải xem đây là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách. Việc lấy ý kiến của người dân, tham vấn giới chuyên môn chỉ tốt hơn, để người quản lý thấy rõ cái lợi, cái hại; có như thế thì chính sách mới đi vào cuộc sống, có hiệu lực và hiệu quả.  

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu