Thứ 6, 26/04/2024 03:19:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:23, 29/10/2019 GMT+7

Tự Đức trị quan tham

Thứ 3, 29/10/2019 | 08:23:00 2,365 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì. Ông là vị hoàng đế thứ 4 của triều Nguyễn. Ông cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn, từ năm 1847-1883, ông được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Dực Tông. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm sinh ngày 25-8-1829, tại Huế, là con thứ của vua Thiệu Trị.

Vì anh trai của ông, tức Nguyễn Phúc Hồng Bảo, là người ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành nên vua Thiệu Trị trước lúc qua đời đã để di chiếu truyền ngôi cho ông. Bấy giờ ông mới 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái. Đến tháng 10-1847, ông chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Tự Đức từ năm 1848. Khi Tự Đức lên cầm quyền, triều đình vẫn cai trị tuân theo phong cách Nho giáo.

Minh họa: S.H

Vì vậy, phần lớn triều thần thời Tự Đức là những người chịu anh hưởng từ Nho giáo lỗi thời. Họ chỉ nhìn nhận tình hình bằng con mắt của cả ngàn năm trước, trong khi các nước phương Tây đã bỏ xa nước Việt về công nghệ, kỹ thuật. Một số người ở Nghệ An đã xuất ngoại để giao du và học hỏi nhiều thứ mới mẻ, mà điển hình là ông Nguyễn Trường Tộ. Khi về nước, Nguyễn Trường Tộ liền thỉnh cầu hoàng đế gấp rút cải cách kẻo mất nước. Tiếc thay, quan thần xàm tấu với hoàng đế và ông cũng từ chối ban hành cải tổ.

Tuy nhiên, vua Tự Đức không phải là người không muốn cải cách đất nước, nhưng vì triều thần không đồng thuận. Cộng với việc nghe lời gian thần và ngu thần xúi bậy nên mới bị mất nước. Trước tình hình người Pháp xâm lấn, trong triều đình đặt ra vấn đề cải cách, liên tiếp các năm từ 1864-1881, các quan là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định liên tiếp dâng sớ xin nhà vua cho cải cách toàn diện đất nước nhưng các đình thần lại không thống nhất, nhà vua cũng không quyết dứt khoát.

Mãi đến năm 1878, triều đình mới bắt đầu cử người thực hiện các bước đầu tiên trong quá trình cải cách là cho học tiếng nước ngoài, nhưng đình thần vẫn bất đồng và nảy sinh hai phe chủ trương cải cách và bảo thủ, rồi đến khi nước Đại Nam dần rơi vào tay quân Pháp cũng nảy sinh 2 phe chủ chiến và chủ hòa. Từ đó, triều đình nhà Nguyễn ngày càng bất lực trước sự tấn công của Pháp, chỉ mong cắt đứt cầu hòa. Tới năm 1883, Tự Đức qua đời, ngay sau đó Pháp tấn công vào kinh đô và ép buộc nhà Nguyễn phải công nhận sự “bảo hộ” của Pháp trên toàn Đại Nam. Nhà Nguyễn sau thời Tự Đức chỉ còn là danh nghĩa, thực tế đã mất nước vào tay Pháp.

Mặc dù vậy, Tự Đức vẫn được các sử gia đương thời đánh giá là người nổi tiếng về chống tham nhũng, hối lộ và xử nghiêm bằng luật. Vũ Dinh là quan thanh liêm, chính trực có lần cho lính theo dõi bắt quả tang người coi kho lấy trộm tiền, giấu vào túi áo rồi tìm cách trốn ra quán uống rượu. Bản án được lập: Nhất nhật nhất tiền/ Thiên nhật thiên tiền/ Thằng cứ mộc đoạn/ Thủy trích thạch xuyên. Nghĩa là: Một ngày một đồng/ Ngàn ngày ngàn đồng/ Dây cưa gỗ đứt/ Nước chảy đá mòn). Tội biển thủ nếu không trị nặng thì một ngày kia, kho tàng nhà nước sẽ trống rỗng, cho nên phải chém. Nhà vua xem xong liền phê chuẩn y án.

Tháng 12-1854, một thương nhân Trung Quốc là Chu Trung Lập gửi đơn lên triều đình tố giác quan lại nhiều địa phương ăn của đút lót thương thuyền ngoại quốc. Tự Đức liền phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ vụ việc và phát hiện những tố giác là có thật. Chiếu theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức. Nhiều quan lớn cũng dính vào vụ này như: Tham tri bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên Đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày, Tri phủ Điện Bàn Nguyễn Bá Đôn ăn hối lộ 12 lạng bạc, Án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc, Kham sợ quá lâm bệnh chết trong tù. Đây là vụ án hối lộ lớn nhất ở nước ta thời kỳ phong kiến.

Lời bàn:

Theo sử cũ, vào thời nhà Nguyễn, việc quan lại tham ô, tham nhũng của dân bị trừng trị rất nghiêm khắc. Vì trong Bộ luật Gia Long gồm 400 điều thì có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng. Trong đó Điều 31 quy định quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Đồng thời, các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản, đem xử chém trước dân chúng nhằm thị uy, các quan đều sợ mà không dám nhũng nhiễu của dân.

Từ nội dung của giai thoại này cho thấy, việc chống tham nhũng của vua Tự Đức thật đáng học hỏi, nhất là hiện nay khi xã hội đã và đang xảy ra nhiều vụ “đại án” tham nhũng. Tuy nhiên, nếu chúng ta học người xưa một cách rập khuôn bằng cách dùng luật pháp như thời nhà Nguyễn để áp dụng vào nạn tham nhũng ngày nay thì thật sự sẽ khó mang lại hiệu quả. Bởi vì, luật pháp hiện đại có những mặt còn kiện toàn hơn luật pháp thời xưa, vậy thì tại sao vẫn xảy ra các vụ chém giết, trộm cướp, tham nhũng? Đó là do, những kẻ làm quan luôn nắm rõ luật pháp, vậy nên dù luật pháp có kiện toàn thì vẫn có kẽ hở, nên họ lách luật, chạy án, chạy tội... và không làm khó được họ. Mà nguyên nhân gốc rễ âu cũng chính là vấn đề đạo đức của người làm quan vậy!

N.D

  • Từ khóa
110250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu