Thứ 4, 24/04/2024 20:09:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:38, 21/10/2015 GMT+7

Tư duy làm nông thôn mới ở Thanh An

Thứ 4, 21/10/2015 | 08:38:00 232 lượt xem
BP - Mấy năm trở lại đây, nông dân xã Thanh An, huyện Hớn Quản đã tận dụng lợi thế vùng trồng tiêu để kết hợp đẩy mạnh phong trào nuôi dê sinh sản và dê lấy thịt. Hướng đi này đem lại cuộc sống ổn định cho người dân. Qua đó cũng cho thấy, sự đổi thay trong tư duy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của nông dân.

KHÁ NUÔI DÊ, NGHÈO CŨNG NUÔI DÊ

Theo số liệu điều tra bước đầu của ngành thú y, đến tháng 3-2015, xã Thanh An có khoảng 1.253 con dê, tăng 977 so với tháng 10-2014. Ấp An Sơn có đàn dê khoảng 200 con. Anh Nguyễn Văn Nam, tổ 9, ấp An Sơn là người nuôi dê có tiếng. Thu nhập từ 1 ha rẫy điều anh đầu tư mua 5 con dê mẹ với giá 28 triệu đồng cách đây hơn 1 năm, nuôi theo mô hình vườn - chuồng.

Anh Nguyễn Văn Nam là người nuôi dê có tiếng ở xã Thanh An

Anh Nam cho biết: “Mình trồng tiêu cũng phải chặt tỉa nọc sống, dọn vườn. Tận dụng những cây đã chặt tỉa ấy làm thức ăn cho dê. Chỉ cần chặt tỉa cành cây keo, anh đào ở vườn của gia đình, họ hàng, làng xóm là có thể cung cấp đủ thức ăn cho đàn dê. Phân dê dùng bón cho vườn tiêu, lợi cả đôi đường. Sắp tới xã thành lập tổ nuôi dê, mình sẽ tham gia để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm”.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị bệnh, đàn dê của gia đình anh Nam phát triển tốt. Sau hơn 1 năm, từ 5 con ban đầu, anh đã có 54 con dê, xuất bán 31 con, còn lại 23 con trong chuồng. Anh đã thu hồi vốn và lãi 22 triệu đồng. Đàn dê còn lại trong chuồng trị giá khoảng 135 triệu đồng. Sắp tới, anh có 7 con dê chuẩn bị sinh sản, hứa hẹn một nguồn thu không nhỏ. Với đàn dê này, anh tiết kiệm được mỗi tuần 850 ngàn đồng tiền phân chuồng bón cho vườn tiêu.

Bà Phạm Thị Quyên, tổ 1, ấp An Sơn là hộ nghèo, cũng nuôi 9 con dê. Từ lâu bà đã ấp ủ dự định nuôi dê. Bởi thức ăn dễ kiếm, xung quanh nhà nào cũng trồng tiêu. Từ khi được hỗ trợ từ chương trình “Vượt lên chính mình” năm 2014, bà trích 20 triệu đồng mua 5 con dê giống, đầu tư làm chuồng trại. Bà phấn khởi nói: “Nuôi dê tốn ít vốn, nhanh sinh sản, nhanh lấy lại vốn”. Chồng đau yếu, 1 buổi mua ve chai, 1 buổi kiếm thức ăn cho dê, bà tần tảo lo cho 3 người con ăn học. 

ĐỔI THAY CÁCH NGHĨ, CÁCH LÀM

Ở xã Thanh An, trồng tiêu luôn đi kèm với nuôi dê. Bởi diện tích tiêu nhiều, nuôi dê sẽ tận dụng được nguồn thức ăn từ nọc sống của cây tiêu. Ở ấp An Sơn, 10 hộ thì có đến 8 hộ chọn nuôi dê là chăn nuôi chủ lực. Nhà nuôi ít từ một đến vài con, nhiều thì hàng chục con.

Lâu nay phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã khá quen thuộc với nhiều người dân. Ở hai xã điểm xây dựng nông thôn mới của Hớn Quản là An Khương và Thanh Bình, người dân được hỗ trợ phát triển sản xuất bằng nuôi dê. Theo đó xã sẽ cho vay dê giống, sau khi dê sinh sản, các hộ trong dự án sẽ trả lại để chuyển giao cho các hộ nghèo khác nuôi. Còn ở Thanh An, kể cả người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, chủ động thoát nghèo. Họ tự nuôi dê mà không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Một số người dân nơi đây không hiểu xây dựng nông thôn mới gồm những gì. Tuy nhiên, họ biết một điều, gia đình mình có khá giả thì địa phương mới giàu lên, bộ mặt nông thôn vùng sâu, xa này mới khang trang, đổi mới và muốn xóa nghèo không thể thiếu nghị lực, ý chí vươn lên.

Thanh Mai

  • Từ khóa
53861

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu