Thứ 6, 29/03/2024 20:47:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:51, 07/05/2018 GMT+7

KỶ NIỆM 64 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2018)

Tự hào chiến sĩ Điện Biên Phủ

Thứ 2, 07/05/2018 | 09:51:00 1,357 lượt xem
BP - Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Pháp (1945-1954), chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương. Kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi có dịp gặp gỡ 2 cựu chiến binh (CCB) ở thị xã Phước Long, nhân chứng lịch sử từng tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Bảo vệ sở chỉ huy ở Mường Phăng

Năm nay đã bước sang tuổi 91 nhưng CCB Mai Quang Bình, ngụ khu phố 8, phường Long Phước vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông là một trong số ít CCB hiện ở thị xã Phước Long trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với giọng nói sang sảng, ánh mắt quắc thước và niềm tự hào hiện rõ trên khuôn mặt, ông kể về những tháng ngày đã trực tiếp tham gia chiến dịch: Tháng 7-1949, ông được lệnh gọi nhập ngũ Tiểu đoàn Bộ binh 436, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đóng quân tại Thừa Thiên - Huế. Sau đó, đơn vị đánh Pháp ở các mặt trận Tây Bắc, Trung Lào, Thượng Lào. Đến tháng 8-1953, chủ trương của Bộ Tổng tham mưu là tập trung lực lượng mở các cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta. Đơn vị của ông được lệnh tiến quân ra Điện Biên Phủ với nhiệm vụ bảo vệ sở chỉ huy ở Mường Phăng, trong đó bảo vệ phái đoàn của Trung Quốc cố vấn cho ta đánh Pháp do Nguyên soái Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn. “Lúc đó, đại đội của tôi có 50 người, ngày đêm canh gác bảo vệ, đồng thời tìm diệt thám báo của Pháp. Năm đó tôi mới 26 tuổi, do biết tiếng Pháp nên quá trình tháp tùng, bảo vệ và chiến đấu, nếu bắt được tù binh thì tôi được giao nhiệm vụ phiên dịch nhằm khai thác thông tin của địch” - ông Bình tự hào nói.

Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long tặng quà 2 cựu chiến binh Nguyễn Bá Tiên, Mai Quang Bình (thứ 2, 3 từ trái qua)

Ông Bình nhớ nhất là trận đánh chiếm đồi A1. Đây là trận chiến mở màn, một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Quân Pháp đã xây dựng đồi A1 mạnh nhất với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai, đồng thời liên tục tăng viện những lực lượng mạnh nhất. Do vậy, trong đợt này, quân ta phát động 4 đợt tiến công liên tục, tới ngày 6-5-1954 hệ thống hầm ngầm của địch mới bị phá sập. Đây là trận chiến đấu gay go, quyết liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều đồng đội của ông đã hy sinh và ông cũng bị thương trong trận này.

“Chia lửa” đánh Pháp

Nâng niu những tấm huân, huy chương gắn trang trọng trên ngực áo, ông Nguyễn Bá Tiên (SN 1928), quê ở Phù Cát, tỉnh Bình Định, hiện trú tổ 4, khu phố 2, phường Long Thủy ánh mắt sáng lên vẻ đầy tự hào.Ông kể về cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của mình: “Tôi nhập ngũ năm 1949, tại Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 96, Sư đoàn 35 tham gia quân tình nguyện giúp bạn Lào. Năm 1953-1954, ta phối hợp với quân dân Lào mở chiến dịch Thượng Lào, Phong Xa Lỳ, Trung và Hạ Lào. Thắng lợi của những chiến dịch này đã nối thông hậu phương kháng chiến của Lào với vùng tự do của Việt Nam, đánh thông đường chiến lược Bắc - Nam Đông Dương giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, làm phá sản kế hoạch Nava của Pháp, buộc Pháp phải rút về cố thủ tại Điện Biên Phủ. Tháng 3-1954, đơn vị tôi về nước “chia lửa” đánh Pháp ở Phú Yên, An Khê, Gia Lai, đánh đến đâu thắng đến đó. Cuối tháng 3, đơn vị ra Bắc tập trung lực lượng chiến đấu giải phóng Điện Biên Phủ”.

Cuối năm 1959, đơn vị của ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội. Sau đó, ông trở lại miền Nam tiếp tục cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ông cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với 29 năm ròng rã trực tiếp cầm súng tham gia 2 cuộc kháng chiến, ông Tiên 3 lần bị thương, mất 26% sức khỏe. Kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, ông Tiên và những CCB tiếp tục được sống lại không khí của một thời hoa lửa. Ông chia sẻ: “Chiến tranh lùi xa, đất nước đã hòa bình độc lập, nhưng với chúng tôi quá khứ hào hùng của tuổi trẻ, của cả dân tộc luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh. Bởi đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Quang Minh

  • Từ khóa
20544

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu