Thứ 7, 20/04/2024 09:09:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:21, 18/05/2017 GMT+7

“Tự miễn dịch” với mặt trái của mạng xã hội

Thứ 5, 18/05/2017 | 13:21:00 2,785 lượt xem

BP - Mạng xã hội là hệ thống những thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau. Cùng một thời điểm, một tài khoản trên mạng xã hội có thể kết nối, chia sẻ thông tin cho hàng vạn người khác nhau trên thế giới. Mạng xã hội đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hằng ngày đối với hàng tỷ thành viên toàn cầu. Theo con số thống kê, chỉ riêng mạng Facebook hiện có khoảng trên 2 tỷ thành viên, mỗi ngày đưa lên hàng tỷ thông tin khác nhau trên tất cả lĩnh vực của đời sống.

Có thể thấy, mạng xã hội đã mang lại một tư duy mới cho người sử dụng internet, đem lại nhiều tiện ích khác nhau cho cuộc sống con người. Thông qua mạng xã hội, cộng đồng mạng có thể đánh giá, bình luận một sự kiện, vấn đề tốt hay xấu; có thể rút ra các giá trị chung của xã hội; có thể cập nhật thông tin tình hình thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đối với nước ta. Đó là, các tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng chống Đảng, Nhà nước đã triệt để lợi dụng dịch vụ kết nối bạn của mạng xã hội để tiếp xúc, làm quen với cán bộ, đảng viên, quần chúng nhằm móc nối, lôi kéo tuyển lựa cơ sở, xây dựng nhân tố chống đối. Chúng đặc biệt tập trung lôi kéo, kết bạn với người trong nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, trí thức... Khi kết bạn với chúng, mọi thông tin sẽ bị theo dõi, tài khoản cá nhân sẽ bị tấn công, truy cập, làm lộ thông tin người sử dụng, làm mất quyền truy cập, máy tính bị nhiễm mã độc. Một số tổ chức phản động lưu vong, đối tượng cơ hội chính trị đã sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin, hình ảnh vu cáo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, đặc biệt là đã xuất hiện hình thức “biểu tình ảo” trên mạng xã hội...

Mặt khác, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để vu cáo, xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ. Thời gian qua, trên toàn quốc xảy ra nhiều trường hợp cá nhân trong nội bộ có quan điểm, tư tưởng bất mãn với cơ quan, đơn vị đã lợi dụng mạng xã hội để đưa những thông tin vu cáo, xuyên tạc gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, thậm chí đưa những thông tin không kiểm chứng nhằm hạ bệ lẫn nhau, gây phức tạp an ninh nội bộ của một số cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều trang facebook mạo danh các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, những người nổi tiếng để đưa thông tin xuyên tạc, vu cáo gây ảnh hưởng đến uy tín chính trị của các đồng chí lãnh đạo cao cấp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân. Thông qua mạng xã hội, nhiều phần tử xấu đã truyền đi những hình ảnh, nội dung đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tiến hành các hoạt động tệ nạn xã hội... gây tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự. Một tác hại khác của mạng xã hội là đã làm cho một bộ phận thanh, thiếu niên xa rời thực tiễn, sống trong thế giới ảo, không xác định được các giá trị chuẩn mực của xã hội dẫn đến những khiếm khuyết về nhân cách. Đồng thời gây lãng phí về thời gian hoặc chểnh mảng trong lao động, học tập. Khi bị các đối tượng xấu tác động, lôi kéo đã tiến hành nhiều hoạt động vi phạm pháp luật.

Trên địa bàn tỉnh, số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng đông, trong đó có một bộ phận không nhỏ là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên. Việc sử dụng mạng xã hội cũng bắt đầu bộc lộ những phức tạp, như: Một số trường hợp sử dụng Facebook để đăng tải những bài viết, quan điểm chính trị phức tạp; bình luận chia sẻ những vấn đề nhạy cảm về chính trị, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức; đăng tải những thông tin bí mật nhà nước; sử dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Đây là những nguy cơ lớn đối với công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin trong tình hình hiện nay.

Để phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái của mạng xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên... trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, huyện, thị trên địa bàn tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về sử dụng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng; xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị có nội dung về quản lý việc sử dụng mạng xã hội; thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tuân thủ nghiêm quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 17-4-2017 của Tỉnh ủy về “Định hướng tiếp cận, xử lý và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, tuyệt đối không đăng tải những thông tin bí mật nhà nước, bí mật nội bộ, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục lên mạng xã hội; không bình luận, chia sẻ những vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, kinh tế - xã hội; không sử dụng mạng xã hội để xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân; khi sử dụng, nếu phát hiện có những hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, bạo loạn hoặc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật thì phải chủ động báo cáo thủ trưởng đơn vị hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Chính Trực

  • Từ khóa
2620

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu