Thứ 4, 24/04/2024 01:10:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:41, 06/04/2019 GMT+7

Từ nhận thức đến việc “sống xanh”

Thứ 7, 06/04/2019 | 14:41:00 664 lượt xem
BP - Đi cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường không chỉ ở các khu đô thị, thành phố mà còn ở cả những vùng nông thôn và lo ngại nhất là rác thải nhựa trên biển. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hằng năm cả nước phát sinh 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 ngàn tấn chất thải nguy hại. Trong khi đó, việc xử lý chất thải, rác thải còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.

Hiện nay, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp bách mang tính lâu dài của mỗi quốc gia và nó phải là ý thức xuất phát từ trong tâm của mỗi con người khi hành động. Bởi lẽ, việc dọn dẹp rác là điều không khó mà “dọn dẹp” ý thức về vấn đề xả rác bừa bãi mới là điều khó khăn hơn. Trên thực tế, nhiều hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, ngăn chặn những hành vi xả rác nhưng lại tạo nên rác. Cụ thể như tại các buổi lễ, ai cũng thấy trên bàn đại biểu đều có những chai nhựa đựng nước và sau khi kết thúc buổi lễ là rác trên mặt đất. Hầu như nơi nào cũng vậy, khi kết thúc sự kiện, mọi người ra về thì “dấu tích” để lại là rác. Những câu chuyện về xả rác bừa bãi cứ tái diễn năm này qua năm khác đang khiến nhiều người phải suy ngẫm. Vì vậy, giải quyết triệt để rác trong môi trường vẫn là cách thức tuyên truyền để làm sao loại bỏ “rác” trong ý thức của mỗi người. Nếu cả xã hội lên án mạnh mẽ việc xả rác bừa bãi, pháp luật xử phạt nghiêm thì mỗi cá nhân sẽ tự có ý thức và chấn chỉnh hành vi của mình.

Điều đáng mừng là gần đây đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nhiều người đối với tác hại của rác thải, nhất là trong một số bạn trẻ. Tại nhiều địa phương ở nước ta đã hình thành những trashpacker (người nhặt rác) đi khắp nơi chỉ để nhặt rác, nhằm lan tỏa thông điệp về ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường. Hành động của những người nhặt rác tự nguyện mang ý nghĩa lớn lao về môi trường và vì cộng đồng, đặc biệt là có tác động tích cực đến suy nghĩ của mỗi người dân tại địa phương. Hiện cũng đã xuất hiện khái niệm “sống xanh” và đang từng bước trở thành hiệu ứng tích cực trong xã hội. “Sống xanh” - đơn giản là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên; là lối sống mà con người giảm thiểu tối đa sự phá vỡ cân bằng sinh thái, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sử dụng cạn kiệt tài nguyên. “Sống xanh” được thể hiện qua những thói quen hằng ngày như hạn chế túi ni-lon, đồ nhựa dùng một lần; không dùng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; tắt bớt điện; sử dụng nước tiết kiệm... như vậy là có thể giúp cuộc sống của mình “xanh” hơn. “Sống xanh” là duy trì thói quen, ý thức bảo vệ môi trường. Trong tiêu dùng sản phẩm được sản xuất theo phương thức tự nhiên, hữu cơ; tận dụng không gian trong gia đình tự trồng rau xanh hay ủ phân bón từ thức ăn thừa, cũng được coi là “sống xanh”... 

Bảo vệ môi trường là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết, đồng thời là nhiệm vụ không của riêng ai. Bảo vệ môi trường phải đi từ nhận thức đến hành động. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. “Sống xanh” là xu hướng tất yếu của thời đại và mọi người có thể thực hiện ngay từ bây giờ với những việc làm nhỏ, nhưng sẽ có tác động rất lớn đến môi trường. 

Thanh Hà

  • Từ khóa
109082

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu