Thứ 7, 27/04/2024 02:26:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:45, 27/08/2014 GMT+7

Tủ sách pháp luật chưa phát huy hiệu quả

Thứ 4, 27/08/2014 | 14:45:00 2,518 lượt xem
BP - Xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) tại các xã, phường, đơn vị, cơ quan, trường học... là việc làm cần thiết nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến đội ngũ cán bộ và toàn thể nhân dân. Vì vậy, hàng năm các huyện, thị đều trang bị, bổ sung đầu sách cho TSPL tại cơ sở. Tuy nhiên, hiện nhiều tủ sách vẫn chưa phát huy vai trò, chức năng của mình.

100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật

Hiện 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng được TSPL. TSPL thường được đặt tại các phòng tiếp dân, phòng tư pháp, nhà văn hóa thôn ấp. Hàng năm, TSPL được trang bị các đầu sách, tài liệu liên quan đến pháp luật, những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. TSPL được xây dựng trên cơ sở UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí và tùy điều kiện, UBND các cấp trích thêm ngân sách để mua tủ đựng, đầu sách, tài liệu pháp luật.

Tủ sách pháp luật xã Tân Hưng (Hớn Quản) mỗi tháng chỉ có 1-2 người đến mượn đọc

 
Trong những năm qua, việc khai thác, phát huy vai trò của TSPL ở một số đơn vị đã đem lại hiệu quả tích cực, từng bước xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong nhân dân. Theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Đồng Xoài: Tại 22 trường tiểu học và THCS trên địa bàn thị xã đã xây dựng được TSPL. Hàng tháng, các trường tổ chức chuyên đề giới thiệu sách chuyên môn và pháp luật. Hoạt động này giúp các em nhận thức và tự nguyện đọc sách, các văn bản luật phù hợp lứa tuổi học sinh như: Luật Giao thông đường bộ, quyền và nghĩa vụ của học sinh; phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS...

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên thư viện trường THCS Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) cho biết: Học sinh chủ yếu mượn sách tham khảo phục vụ các môn học. Riêng sách pháp luật rất ít em mượn. Vì vậy, để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến học sinh, chúng tôi thường lồng ghép vào các buổi giới thiệu sách hay các tiết học đạo đức, giáo dục công dân. Hoặc thông qua buổi chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, giáo viên chủ nhiệm sẽ phổ biến, cập nhật những văn bản pháp luật mới nhất, giúp các em hiểu hơn về pháp luật.

Ngoài TSPL ở trường học thì đa số TSPL các xã, phường, thị trấn đều hoạt động kém hiệu quả. Nhiều tủ sách được đặt ở góc khuất của văn phòng “một cửa” và được khóa cẩn thận; nhiều văn bản pháp luật hết hiệu lực vẫn được lưu giữ; chưa bổ sung kịp thời những đầu sách, văn bản luật mới có hiệu lực.

Nhiều lý do

Mặc dù TSPL được chú trọng xây dựng từ cấp huyện, thị xuống thôn, ấp nhưng việc đọc sách của người dân rất hạn chế. Chỉ một số ít người quan tâm đến sách như già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ đến cán bộ, công chức xã, đặc biệt là cán bộ tư pháp. Ông Hoàng Trung Hà, cán bộ tư pháp xã Tân Hưng (Hớn Quản) là người trực tiếp quản lý TSPL cho biết: “Năm 2013, xã được UBND huyện đầu tư 1.500 cuốn sách pháp luật về giao thông đường bộ. Sau đó xã đã phân bổ về các thôn, ấp. Số ít để tại UBND xã nhưng cũng hiếm người đến mượn đọc. Trung bình 1 tháng chỉ có 1-2 người dân đến đọc sách pháp luật”.

Chị Đinh Thị Loan ở xã Đa Kia (Bù Gia Mập) cho biết: Là nông dân, công việc đầu tắt mặt tối, thời gian đâu đến xã mượn sách về đọc. Chỉ hôm nào lên xã làm giấy tờ, trong lúc chờ thì mới lấy sách đọc. Ông Điểu Thành, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: Toàn xã có trên 12 ngàn người, trong đó 24% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người không biết chữ. Vì vậy, nhu cầu đọc sách và các văn bản pháp luật đối với họ gần như không có. Những người mượn sách chủ yếu là cán bộ xã, thôn, ấp.

“Để tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng tôi lồng ghép vào các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc giao các hội, đoàn thể phổ biến luật liên quan. Cụ thể, trong các buổi sinh hoạt hội phụ nữ sẽ triển khai Luật Hôn nhân và gia đình, chủ trương kế hoạch hóa gia đình; đoàn thanh niên phổ biến Luật Giao thông đường bộ...” - ông Thành cho biết thêm.

Hương Thùy

  • Từ khóa
25288

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu