Thứ 4, 24/04/2024 02:55:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:31, 11/08/2019 GMT+7

Từ Thục phu nhân

Chủ nhật, 11/08/2019 | 16:31:00 3,759 lượt xem

BP - Theo gia phả của dòng họ Nhữ ở thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng: Thủy tổ là cụ Nhữ Công Chất vào thế kỷ XIV đến định cư tại đây và đến đời thứ 4 có cụ Nhữ Văn Lan đỗ tiến sĩ năm 1463, làm quan đến Thượng thư bộ Hộ, triều Lê Thánh Tông. Con gái cụ Nhữ Văn Lan là Nhữ Thị Thục, là mẹ của trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; con trai cụ Nhữ Văn Lan là Nhữ Huyễn Minh, làm Tri huyện Lục Ngạn, sau di cư về Sồi - Vạc, tỉnh Hải Dương.

Nhữ Thị Thục hay còn gọi là Từ Thục phu nhân, Nhữ phu nhân hoặc Trình mẫu, là một nữ lưu nổi tiếng trong nhiều câu chuyện về Nguyễn Bỉnh Khiêm thời Lê sơ. Bà nổi tiếng với vai trò không chỉ là mẹ của Trạng Trình, mà còn là người có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục, hình thành nhân cách của Trạng Trình từ thuở thơ ấu. Những giai thoại, truyền thuyết về cuộc đời bà cũng ly kỳ tựa như những giai thoại về người con lỗi lạc của bà. Bà là hình mẫu người phụ nữ rất hiếm gặp trong lịch sử Việt Nam: Thông minh, quyết đoán, học rộng, giỏi văn chương, kinh sử, lại tinh thông cả dịch lý, tướng số, mang chí lớn của bậc trượng phu.

Dù xuất thân dòng dõi quý tộc nhưng phải qua gần hết thời nữ nhi bà mới chọn được người ưng ý để kết duyên vợ chồng. Người được bà chọn kết duyên cũng thật đặc biệt. Ông Nguyễn Văn Định vốn là một thầy đồ ít tiếng tăm, sinh trưởng tại huyện Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo ngày nay) cách huyện Tiên Minh một khúc sông nhỏ, xuất thân cũng chẳng phải dòng dõi danh gia. Nhưng bà Nhữ Thị Thục đến với ông bởi thấy ở ông có tướng sinh quý tử. Bà tâm niệm rằng: Nếu không lấy được chồng làm thiên tử, thì con bà sinh ra sau này cũng phải làm thiên tử một nước.

Tương truyền, bà đã tính toán cẩn thận ngày giờ hợp cẩn để sinh ra Nguyễn Văn Đạt (tên khai sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm). Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhỏ đã được bà hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm lên 4 tuổi, bà đã đem kinh truyện dạy cho con. Đến khi thấy kiến thức của mình không còn đủ để truyền cho con, bà đã gửi gắm Nguyễn Bỉnh Khiêm cho những nhà Nho nổi danh đương thời dạy dỗ. Công lao của bà sau này đã được chính Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi nhớ trong bài Tựa Bạch Vân am của ông.

Hầu hết các sách viết về tiểu sử, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đều nhắc đến tài học, chí lớn và công lao dưỡng dục của Từ Thục phu nhân. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi căn cứ vào sách “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt phả ký” đã khẳng định: Thân mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông minh, học rộng, giỏi văn chương, thông kinh sử, lại tinh thông cả lý số, thiên văn, đảm lược và có ý chí của bậc trượng phu. Bà có đến hàng trăm bài thơ để dạy con từ việc chơi bi, chơi diều, đánh cờ, cách làm người.., là người thầy dạy dỗ con về thơ ca, kinh sách. Tất cả góp phần hun đúc nên Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ - nhà văn hóa lớn của dân tộc.

Xưa nay các tác giả nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đánh giá cao về vai trò của bà Nhữ Thị Thục trong việc hình thành phẩm cách, tài năng, trí tuệ mẫn tiệp và cách ứng xử tài tình của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại hội thảo khoa học “Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm”, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhận xét: Bà Nhữ Thị Thục - thân mẫu danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, là một trong 3 người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người (Trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ, Quận công Nhữ Thị Thuận và phu nhân Nhữ Thị Thục). Bà là người có tầm nhìn chiến lược, đã có công lao to lớn trong việc nuôi dạy, giáo dục con. Dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về tài năng, đức độ, chí hướng của bà. Ngay cả Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Tựa Bạch Vân am đã khẳng định công lao cũng như nhiệt tâm của người mẹ trong việc dạy dỗ con trở thành nhân tài cho đất nước.

Lời bàn:

Bà Nhữ Thị Thục sinh ra trong một dòng họ khoa bảng, lớn lên trong truyền thống hiếu học của gia đình và quê hương. Bà không chỉ giỏi văn chương, am tường lịch sử và tinh thông thuật số mà còn là người mẹ biết truyền sang con toàn bộ tâm nguyện, khí phách làm người bằng phương pháp dạy dỗ nghiêm cẩn và lối sống mực thước của mình. Tất cả những nhà nghiên cứu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ xưa đến nay đều đánh giá cao vai trò của bà trong việc hình thành nhân cách, trí tuệ và nhất là biệt tài lý số của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sinh thời, bà từng mong muốn trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, sinh ra vua, nhưng người phụ nữ tinh thông tướng số này lại không thể toại nguyện, chỉ sinh được một người con trai. Mặc dù vậy, con trai bà là một kỳ nhân hiếm có, đỗ trạng nguyên, làm quan đến tước Quốc công, trở thành nhà chiến lược kỳ tài, nhà thơ có ảnh hưởng sâu sắc và còn được dân gian coi là nhà tiên tri số 1 trong sử Việt. Vâng, luật của tạo hóa là vậy, sức người không thay đổi được thiên mệnh, tuy mẹ tinh thông tướng số, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không thể làm vua. Nhưng dù ông không phải là vua, song các bậc vua chúa đương thời từ nhà Lê đến nhà Mạc và cả chúa Trịnh, chúa Nguyễn sau này đều phải tới hỏi ý kiến ông. Nếu không có một bà mẹ minh triết thì chắc chắn không thể có một thiên tài như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

N.D

  • Từ khóa
110216

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu