Thứ 5, 25/04/2024 23:50:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:54, 12/09/2014 GMT+7

Tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Bác

Thứ 6, 12/09/2014 | 09:54:00 7,407 lượt xem

BP - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người không chỉ được cả dân tộc Việt Nam kính yêu mà còn được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ngưỡng mộ, kính phục và tôn vinh là “Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc”. Bởi ở Người, từ tư tưởng đến cách hành xử với các vấn đề của đời sống con người luôn chứa đựng tính nhân văn hết sức sâu sắc, cao cả. Tính nhân văn đó đã được thể hiện rõ trong sự nghiệp của Người, đặc biệt là trong Di chúc mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trước lúc đi xa. Chính điều này đã làm sáng mãi nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958  -  Ảnh tư liệu

 
Đã 45 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng mỗi khi đọc lại chúng ta càng thấm rõ giá trị nhân văn trong Di chúc của Người. Điều làm nên giá trị tinh thần lớn lao,  mang ý nghĩa cải tạo thực tiễn sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quan điểm về con người và giải phóng con người. Quan điểm này đã thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cao cả, một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập. Đây là tư tưởng nhất quán gắn liền với hoạt động thực tiễn trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Xuất phát từ quan điểm ấy, khi viết về những việc Đảng, Nhà nước cần làm sau ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Người đã nhấn mạnh: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ vợ, con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét...”, (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 12, trang 504). Lời căn dặn trên của Người là sự thể hiện thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của người Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” và tôn vinh những người có công với cách mạng.

Trong chiến lược xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu. Người đã căn dặn: “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ, công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, (Sđd, t 12, tr 504). Và đây là tư tưởng thể hiện rất rõ sự thống nhất giữa tính nhân văn cộng sản, tầm nhìn chiến lược về việc lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế của cuộc sống đã chứng minh tư tưởng ấy của Người là hoàn toàn đúng đắn.

Người còn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ để họ được tiến bộ, bình đẳng và thật sự được giải phóng. Người đã khẳng định: Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”, (Sđd, t 12, tr 503).

Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ gọi họ là “nạn nhân của chế độ xã hội cũ” và Người nhắc nhở: “Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện” (Sđd, t 12, tr 504). Và đây cũng chính là truyền thống khoan dung, triết lý sống khoan dung của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, khắc sâu thêm vào tâm khảm mỗi chúng ta.

Cũng xuất phát từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” và quan điểm an dân, khoan sức dân là kế sách giữ nước vừa sâu gốc, bền rễ của Trần Hưng Đạo, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “Miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất...”, (Sđd, t 12, tr 504).

Tính nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lòng yêu thương con người sâu sắc. Đó là sự quan tâm, biết ơn, trân trọng, tin tưởng vào sức mạnh của con người, quyết tâm hành động để mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người, giải phóng con người. Đó là tình yêu thương con người của một trái tim lớn và vô cùng nhân hậu. Và chính tình yêu thương con người ấy là động lực mãnh liệt thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người. Đồng thời, tình thương yêu con người ấy cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp, mọi lực lượng, mọi người trong xã hội tạo nên sức mạnh vĩ đại để giải phóng cho dân tộc, cho mọi người và mỗi người.               

Vâng, từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại trong con người Bác. Và càng thấy, chúng ta càng phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bởi đó là động lực to lớn để nhân dân ta, đất nước ta sớm tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

N.V

  • Từ khóa
11709

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu