Thứ 6, 29/03/2024 06:16:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:41, 27/03/2015 GMT+7

Từ vụ một cơ sở chế biến sữa Abbott giả bị phát giác: Các bà mẹ nên cẩn trọng

Thứ 6, 27/03/2015 | 06:41:00 1,307 lượt xem
BP - Những năm gần đây, tình trạng làm giả, làm nhái các nhãn hiệu sữa nổi tiếng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Những thương hiệu sữa ngoại như Mead Johnson, Abbott, Dumex, Meiji, Milex… thường bị đổi “ruột” nhiều vì giá bán cao, dễ tiêu thụ.


Lực lượng quản lý thị  trường kiểm tra mặt hàng sữa tại các cửa hàng, đại lý trên địa bàn thị xã Đồng Xoài

Những ngày đầu năm 2015 đã có khá nhiều tờ báo đưa tin về sản phẩm sữa kém chất lượng, sữa nhái thương hiệu ngoại bán tràn lan trên thị trường khiến các bà mẹ thường mua sữa ngoại cho con không khỏi hoang mang. Do công nghệ làm giả tinh vi nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là chất liệu thật, đâu là giả. Nếu mục sở thị về “công nghệ” chế biến sữa ngoại kiểu này chắc nhiều bà mẹ đang cho con dùng sữa mang thương hiệu Abbott sẽ không khỏi giật mình hoảng sợ.

Sao nỡ ác tâm với con trẻ?

Ngày 20-3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt quả tang Phan Văn Chánh (20 tuổi, trú quận 10) chở hai thùng carton chứa 36 lon sữa thương hiệu Abbott, trong đó 24 lon loại 400g là Abbott - Ensure Gold và 12 lon sữa loại 850g là Abbott Glucerna do Hoa Kỳ sản xuất, Chánh khai là hàng giả.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của cha con Chánh tại đường Nhật Tảo (phường 4, quận 10), công an phát hiện đây là cơ sở sản xuất hàng loạt sản phẩm sữa giả với quy mô hàng chục lon mỗi ngày. Công an đã thu giữ 33 lon sữa thành phẩm mang thương hiệu Abbott Ensure Golod loại 400g, 8 lon Ensure Gold loại 840g, hơn 20 lon sữa loại 400g, 850g Glucerna cùng hơn 100 vỏ lon các loại.


Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng sữa tại thị xã Đồng Xoài

Ông Phan Bảo Sơn (62 tuổi), cha của Chánh khai: Cơ sở này thu gom vỏ lon sữa ngoại tại các vựa ve chai chỉ vài ngàn đồng/lon, sau đó làm sạch, mua các loại sữa rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường về đóng gói, đập nắp mới rồi bán cho các đại lý thu lợi bất chính. Từ khi sản xuất đến lúc bị phát hiện, ông Sơn đã sản xuất ra hàng trăm lon sữaEnsuregiả. Điều đáng nói là năm 2012, ông Sơn bị PC46 Công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ cũng với hành vi sản xuất sữa giả, bị kết án 3 năm tù giam.

Nghe tin, chị Nguyễn Kim Huệ ở ấp 1A, xã Tiến Thành (Đồng Xoài) bất bình: “Bé nhà tôi 3 tuổi. Vì bé biếng ăn nên dù phải ở nhà trọ nhưng tôi vẫn phải “bóp bụng” cắt giảm chi tiêu để mua sữa Abbott Ensure Golod cho con. Bởi nghe thông tin sữa này bổ sung nhiều dưỡng chất cho trẻ suy dinh dưỡng. Nếu mua sữa giả thì khác nào tiền mất tật mang, không chỉ tổn hại về kinh tế mà nguy hiểm cho sức khỏe của con tôi. Vì lợi nhuận mà kẻ xấu nỡ ác tâm cả với trẻ con như vậy sao?”.

Đừng “sính ngoại” mà mất cảnh giác

Bi kịch từ sữa giả, sữa kém chất lượng khiến nhiều người liên tưởng đến nhiều em bé mới chào đời đã hứng chịu “hội chứng đầu to” dị thường do uống phải sữa giả ở Trung Quốc những năm gần đây. Năm 2004, ít nhất 13 trẻ em ở Trung Quốc đã chết vì suy dinh dưỡng do uống phải sữa giả. Đến năm 2008, ở Trung Quốc đã có ít nhất 6 trẻ em chết và gần 300 ngàn trẻ bị bệnh từ sữa bột nhiễm melamine, một hóa chất công nghiệp giúp tăng độ đạm của sữa. Năm 2011, một số cơ sở sản xuất ở Trung Quốc lại trộn thêm pôtêin từ da động vật - một chất bị cấm, để làm giả hàm lượng đạm.

Ông Cao Văn The, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Với những sản phẩm sữa ngoại, ngoài hạn sử dụng, bao bì mới thì công ty có chức năng nhập khẩu sẽ dán thêm nhãn phụ tiếng Việt. Nếu không khách hàng khó nhận biết được hết công dụng cũng như khuyến cáo của sữa. Nếu nghe quảng cáo là “hàng xách tay” thì người tiêu dùng cũng nên nghĩ tới đó có thể là hàng nhái, hàng giả. Nếu thấy có yếu tố cạo sửa và mực in hạn sử dụng bị nhòe thì là sữa giả. Hoặc ngày sản xuất và hạn sử dụng không khớp tròn 2 hoặc 3 năm thì chắc chắn hạn sử dụng đã bị can thiệp. Yếu tố vỏ hộp phải nguyên vẹn, không bị bóp méo và sữa bên trong phải tơi rời, đặc biệt mỗi lon sữa đều có tem chống giả, thậm chí là doanh nghiệp đăng ký tem độc quyền nhãn hiệu - đó là những điểm chính người tiêu dùng cần nhớ để tránh mua phải hàng giả”.

Theo kinh nghiệm của chị Lê Thanh Tú, chủ cửa hàng sữa Thanh Tú tại phường Tân Bình (Đồng Xoài), sữa đúng hiệu Abbott quậy rất lâu tan, ngược lại sữa giả sẽ tan nhanh khi đổ vào nước ấm. Sữa giả cũng không nổi lên như sữa thật mà chìm xuống rất nhanh, có sữa mùi nồng chứ không thơm dễ chịu như sữa chính hãng Abbott. Ngoài ra, sữa giả không thể giống sữa thật ở lượng chất xơ. Vì vậy, khi trẻ uống sữa mà bị tiêu chảy thì đích thực đã sử dụng phải sữa giả.

Ông Cao Văn The cũng khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên mua hàng tại các cửa hàng phân phối lớn, trên sản phẩm có địa chỉ nhà sản xuất, nhà phân phối rõ ràng và hạn sử dụng tin cậy”.

Bàn về chuyện sữa thật - giả, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 2, xã Long Tân (Bù Gia Mập) nói: “Mọi người dùng sữa xong thì hủy lon để không tạo cơ hội cho kẻ xấu sản xuất sữa giả. Cơ quan chức năng cũng nên liệt kê và nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng các đại lý, cửa hàng lấy sữa từ những cơ sở này. Làm ăn không uy tín, tiếp tay cho kẻ xấu sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay”.

Hy vọng từ các vụ việc bị phát giác cùng với xử lý nặng đối tượng bị bắt sẽ đánh thức lương tâm của những kẻ kinh doanh phi đạo đức, đừng vì chút lợi ích trước mắt mà làm chậm, thậm chí tàn lụi sự phát triển trí tuệ, hình hài của thế hệ mai sau.

Ngân Hà

 

  • Từ khóa
51244

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu